MÙA CHAY – MÙA XUÂN CỦA LÒNG NGƯỜI
Mt 6, 1-6.16-18
Trong những ngày đầu năm, người ta nhìn lại quá khứ để tổng kết thành quả, để chia quả công trái, để hái trái thành công và để cố công kinh nghiệm.
Trong
ngày đầu năm, người ta nhìn tới tương lai để xây dựng mộng ước, để ao
ước phước lành, để chân thành đổi mới và để làm mới mọi sự.
Những
công việc này đã làm cho những ngày đầu năm thành mốc thời gian quan
trọng, vừa là điểm dừng vừa là đi tới; vừa của đào bới vừa của vun trồng
vừa của gieo trồng vừa của cắt tỉa.
Những
ý nghĩa này cũng có thể gán cho nội dung của ngày Thứ Tư Lễ Tro, bởi
ngày đầu năm là thời gian tính điểm thì mùa chay cũng là mùa kiểm điểm.
Nếu ngày đầu năm là thời gian của chuyển đổi thì mùa chay cũng là mùa
thay đổi. Nếu ngày đầu năm là thời gian của đổi mới đất trời thì mùa
chay cũng là mùa đổi mới tâm hồn. Nếu ngày đầu năm là ngày chờ đón mọi
điều mới thì mùa chay củng là mùa chờ đón hoán cải, chờ đón Phục Sinh.
Vì vậy mà chúng ta có thể gọi hay có thể ví mùa chay như là mùa xuân;
mùa xuân của đất trời và mùa xuân của tâm hồn.
Mùa chay là Mùa xuân của tâm hồn.
Nếu
mùa xuân của thiên nhiên là mùa đổi mới của thời gian và làm cho cây
cối đâm chồi nẩy lộc thì mùa chay của Giáo Hội cũng là mùa đổi mới của
tâm hồn và làm cho đời sống thiêng liêng được trổ bông đơm hạt. Dấu hiệu
và thành qủa của sự đổi mới này được thể hiện trong những bổn phận căn
bản của đời sống người Kitô hữu. Đó là các bổn phận đối với chính mình;
bổn phận đối với tha nhân và bổn phận đối với Thiên Chúa được nội dung
Bài Tin Mừng nói rõ qua ba sinh hoạt đạo đức truyền thống của việc ăn
chay, bố thí và cầu nguyện.
Ăn
chay là một việc đạo đức có liên quan đến những bổn phận của mình đối
với chính mình. Đây là sinh hoạt cần được làm mới trước tiên, bởi sẽ
không có niềm vui Phục Sinh nếu không có những hoán cải trong tâm hồn;
sẽ không có mùa xuân của đất trời nếu không có mùa xuân trong lòng
người; sẽ không thấy những đổi mới của đất trời nếu không có những thay
đổi trong con người. Ăn chay là cách để người ta sửa sang lại tâm hồn,
dọn dẹp lại bổn phận và điểm tô lại cuộc sống để đón nhận được ơn thánh.
Nhưng
ăn chay phải đi kèm với bố thí, bởi việc bố thí là sinh hoạt đạo đức có
liên quan đến những bổn phận của mình đối với tha nhân. Ăn chay mà
không bố thí thì có thể đó chỉ là hình thức của sự kham khổ, của sự tiết
kiệm trong của cải và tiết chế trong thuật dưỡng sinh, ngừa bệnh. Ăn
chay đi kèm với bố thí mới là đặc nét của việc chay tịnh Kitô giáo. Bù
lại, việc bố thí cũng phải đi liền với ăn chay vì khi nghĩ đến bổn phận
của mình đối với người khác, người ta cũng nhớ đến bổn phận của mình đối
với chính mình.
Do
vậy, nếu mùa xuân của thiên nhiên là dịp nhắc chúng ta nhớ và nghĩ đến
nhau để trao tặng cho nhau những món qùa, những lời chúc có ý nghĩa thì
mùa chay của Giáo Hội cũng là dịp thuận lợi mời gọi người ta hãy mở rộng
bàn tay cho nhau. Người ta mở rộng bàn tay mình để nắm lấy tay người
khác hay để cho người khác nắm lấy tay mình. Mùa chay cũng là mùa thúc
giục người ta bước đi và bước tới với người khác để chia sẻ, yêu thương
hay để được chia sẻ, để được yêu thương.
Tuy
nhiên, nếu chỉ ăn chay và bố thí thì cuộc sống của người Kitô hữu đã
đẹp nhưng chưa được trọn vẹn. Nếu chỉ dừng lại ở việc ăn chay và bố thí
thì cuộc đời của người Kitô hữu mới chỉ dừng lại ở bình diện nhân sinh
mà chưa vươn tới bình diện thần linh. Vì vậy mà đối với người Kitô hữu,
mùa chay còn phải là mùa cầu nguyện; bởi chỉ có cầu nguyện và chỉ trong
cầu nguyện, người ta mới biết mình phải cố sống thế nào; phải thay đổi
ra sao; phải lao đao bao nhiêu trong những mối liên hệ của mình với
người khác và với Thiên Chúa. Nói cách khác là, không phải người ta tự
đổi mới lòng mình nhưng chính Chúa sẽ thay đổi lòng họ qua những tâm
tình họ cầu nguyện. Chính vì vậy mà Đức Giêsu đã cảnh báo người ta phải
tránh những lối sống và hành động cách tiêu cực trong những việc bổn
phận thiêng liêng của mình, vì mùa chay cũng là mùa thay đổi của tâm
hồn.
Mùa chay là mùa thay đổi của tâm hồn.
Qua
nội dung của Bài Tin Mừng, Đức Giêsu mời gọi người ta phải thanh luyện
đời sống thiêng liêng của mình khỏi những nét già nua của thói quen sống
vụ hình thức. Cách sống vụ hình thức này cũng sẽ giam nhốt những sinh
hoạt đạo đức của họ vào trong những khuôn khổ nhất định; để rồi, khi
thực hành, người ta lại chỉ quan tâm đến việc làm đẹp cái hình thức và
coi thế là đủ, còn nội dung là cái làm cho hình thức có giá trị thì lại
thường bị quên lãng. Theo đó, khi bố thí, người ta sẽ khua chiêng đánh
trống. Khi cầu nguyện, người ta sẽ thích đứng trong các Hội Đường hoặc
ngoài các ngã ba, ngã tư. Khi ăn chay, người ta sẽ làm bộ rầu rĩ.
Thế
nên, qua nội dung của Bài Tin Mừng, Đức Giêsu cũng lên án lối sống vụ
lợi được thể hiện trong những thói quen phô trương công đức và những
việc làm đạo đức. Theo đó, ngay cả trong lãnh vực đạo đức, người ta vẫn
cứ muốn sống vụ lợi như cách các diễn viên đóng kịch trên sân khấu để
kiếm tiền hoặc kiếm tiếng mà không hiểu rằng việc sống đạo cần biết bao
những tâm hồn thiết tha đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Rồi từ lối sống
vụ hình thức, vụ lợi nhuận, người ta sẽ bước tới cách sống vụ lề luật;
nghĩa là người ta sẽ phấn đấu để biết mình lập được bao nhiêu công,
tránh được bao nhiêu tội, làm được bao nhiêu việc và căn cứ vào số lần
đó mà đánh giá người khác là đạo đức hay khô khan.
Để sửa sai “ba cái vụ”
này, Đức Giêsu đã mời gọi người ta phải đổi mới những sinh hoạt đạo đức
của họ bằng cách trở về với nội dung nguyên tuyền của nó. Theo đó, ăn
chay đâu phải chỉ là nhịn ăn, nhịn uống. Bố thí đâu phải là phung phí
những dư thừa của mình và cầu nguyện đâu phải là việc nhàn rỗi khi hết
mùa hay bận bịu khi mất mùa. Đối với Đức Giêsu, chính nội dung tâm tình
và mục đích âm thầm kín đáo ở bên trong mới quyết định giá trị của một
việc đạo đức. An chay để giảm cân, bớt béo mà không muốn “vỗ béo”
tâm hồn thì chỉ là hình thức tinh vi của những ham muốn hưởng thụ. Bố
thí để được chứng tỏ mình hào hiệp mà không tội nghiệp sự mọt ruỗng của
tâm hồn mình thì chỉ là những hình thức tinh quái của lòng ham muốn hư
danh. Cầu nguyện để được có tiếng là đạo đức mà không ra sức tìm gặp
Chúa thì chỉ là những hình thức tinh giảm lòng nhiệt thành.
Như vậy, sứ điệp “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” của
mùa chay sẽ là hướng phấn đấu để chúng ta trút bỏ con tim băng giá hay
con tim hóa đá của chúng ta; đồng thời cũng trở thành tiêu chuẩn xét
mình giúp chúng ta nhìn lại quá khứ đã qua và bước vào tiến trình hoán
cải của mùa chay thánh; mà giờ đây, nghi thức xức tro sẽ là nghi thức
đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình đó.
Thủy Trại Lau
(Viết theo một vài gợi ý của ĐGM Giuse Vũ Duy Thống - Làm Nụ Hoa Trắng; NXB Tôn Giáo 2007; trang 25-29).
Thủy Trại Lau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét