Quyết bào mòn sách vở - để lập trình tương lai

++ CLOISTERER, STUDENT AND YOUTH PHU QUY GROUPS ++ IN SAI GON ++ WE LOOK FORWARD TO THE CONTRIBUTION AND SHARE YOU ALL ! ++

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Ban Điều Hành Mới Của Nhóm

Trong buổi gặp mặt đầu năm 26/ 02/ 2012, tất cả các bạn trong nhóm đã tham gia nhiệt tình. Mình đại diện cho nhóm xin chân thành cám ơn tất cả các bạn. Sau đây là danh sách các bạn trong Ban điều hành của nhóm nhiệm kì năm 2012.
Mình tin rằng nhóm chúng ta sẽ có một năm hoạt động đầy mạnh mẽ, năng động, và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và cho chính mỗi thành viên trong nhóm. Hy vọng Ban điều hành mới sẽ đưa nhóm ngày một đi lên.
Chúc tất cả các bạn luôn vui vẻ, hạnh phúc, học giỏi và đạt nhiều thành công trong cuộc sống.
                                                     
                                                                    Đại Học

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

MÙA CHAY – MÙA XUÂN CỦA LÒNG NGƯỜI

MÙA CHAY – MÙA XUÂN CỦA LÒNG NGƯỜI
                    Mt 6, 1-6.16-18
Trong những ngày đầu năm, người ta nhìn lại quá khứ để tổng kết thành quả, để chia quả công trái, để hái trái thành công và để cố công kinh nghiệm.
Trong ngày đầu năm, người ta nhìn tới tương lai để xây dựng mộng ước, để ao ước phước lành, để chân thành đổi mới và để làm mới mọi sự.
Những công việc này đã làm cho những ngày đầu năm thành mốc thời gian quan trọng, vừa là điểm dừng vừa là đi tới; vừa của đào bới vừa của vun trồng vừa của gieo trồng vừa của cắt tỉa.
Những ý nghĩa này cũng có thể gán cho nội dung của ngày Thứ Tư Lễ Tro, bởi ngày đầu năm là thời gian tính điểm thì mùa chay cũng là mùa kiểm điểm. Nếu ngày đầu năm là thời gian của chuyển đổi thì mùa chay cũng là mùa thay đổi. Nếu ngày đầu năm là thời gian của đổi mới đất trời thì mùa chay cũng là mùa đổi mới tâm hồn. Nếu ngày đầu năm là ngày chờ đón mọi điều mới thì mùa chay củng là mùa chờ đón hoán cải, chờ đón Phục Sinh. Vì vậy mà chúng ta có thể gọi hay có thể ví mùa chay như là mùa xuân; mùa xuân của đất trời và mùa xuân của tâm hồn.

Mùa chay là Mùa xuân của tâm hồn.
Nếu mùa xuân của thiên nhiên là mùa đổi mới của thời gian và làm cho cây cối đâm chồi nẩy lộc thì mùa chay của Giáo Hội cũng là mùa đổi mới của tâm hồn và làm cho đời sống thiêng liêng được trổ bông đơm hạt. Dấu hiệu và thành qủa của sự đổi mới này được thể hiện trong những bổn phận căn bản của đời sống người Kitô hữu. Đó là các bổn phận đối với chính mình; bổn phận đối với tha nhân và bổn phận đối với Thiên Chúa được nội dung Bài Tin Mừng nói rõ qua ba sinh hoạt đạo đức truyền thống của việc ăn chay, bố thí và cầu nguyện.
Ăn chay là một việc đạo đức có liên quan đến những bổn phận của mình đối với chính mình. Đây là sinh hoạt cần được làm mới trước tiên, bởi sẽ không có niềm vui Phục Sinh nếu không có những hoán cải trong tâm hồn; sẽ không có mùa xuân của đất trời nếu không có mùa xuân trong lòng người; sẽ không thấy những đổi mới của đất trời nếu không có những thay đổi trong con người. Ăn chay là cách để người ta sửa sang lại tâm hồn, dọn dẹp lại bổn phận và điểm tô lại cuộc sống để đón nhận được ơn thánh.
Nhưng ăn chay phải đi kèm với bố thí, bởi việc bố thí là sinh hoạt đạo đức có liên quan đến những bổn phận của mình đối với tha nhân. Ăn chay mà không bố thí thì có thể đó chỉ là hình thức của sự kham khổ, của sự tiết kiệm trong của cải và tiết chế trong thuật dưỡng sinh, ngừa bệnh. Ăn chay đi kèm với bố thí mới là đặc nét của việc chay tịnh Kitô giáo. Bù lại, việc bố thí cũng phải đi liền với ăn chay vì khi nghĩ đến bổn phận của mình đối với người khác, người ta cũng nhớ đến bổn phận của mình đối với chính mình.
Do vậy, nếu mùa xuân của thiên nhiên là dịp nhắc chúng ta nhớ và nghĩ đến nhau để trao tặng cho nhau những món qùa, những lời chúc có ý nghĩa thì mùa chay của Giáo Hội cũng là dịp thuận lợi mời gọi người ta hãy mở rộng bàn tay cho nhau. Người ta mở rộng bàn tay mình để nắm lấy tay người khác hay để cho người khác nắm lấy tay mình. Mùa chay cũng là mùa thúc giục người ta bước đi và bước tới với người khác để chia sẻ, yêu thương hay để được chia sẻ, để được yêu thương.
Tuy nhiên, nếu chỉ ăn chay và bố thí thì cuộc sống của người Kitô hữu đã đẹp nhưng chưa được trọn vẹn. Nếu chỉ dừng lại ở việc ăn chay và bố thí thì cuộc đời của người Kitô hữu mới chỉ dừng lại ở bình diện nhân sinh mà chưa vươn tới bình diện thần linh. Vì vậy mà đối với người Kitô hữu, mùa chay còn phải là mùa cầu nguyện; bởi chỉ có cầu nguyện và chỉ trong cầu nguyện, người ta mới biết mình phải cố sống thế nào; phải thay đổi ra sao; phải lao đao bao nhiêu trong những mối liên hệ của mình với người khác và với Thiên Chúa. Nói cách khác là, không phải người ta tự đổi mới lòng mình nhưng chính Chúa sẽ thay đổi lòng họ qua những tâm tình họ cầu nguyện. Chính vì vậy mà Đức Giêsu đã cảnh báo người ta phải tránh những lối sống và hành động cách tiêu cực trong những việc bổn phận thiêng liêng của mình, vì mùa chay cũng là mùa thay đổi của tâm hồn.

Mùa chay là mùa thay đổi của tâm hồn.
Qua nội dung của Bài Tin Mừng, Đức Giêsu mời gọi người ta phải thanh luyện đời sống thiêng liêng của mình khỏi những nét già nua của thói quen sống vụ hình thức. Cách sống vụ hình thức này cũng sẽ giam nhốt những sinh hoạt đạo đức của họ vào trong những khuôn khổ nhất định; để rồi, khi thực hành, người ta lại chỉ quan tâm đến việc làm đẹp cái hình thức và coi thế là đủ, còn nội dung là cái làm cho hình thức có giá trị thì lại thường bị quên lãng. Theo đó, khi bố thí, người ta sẽ khua chiêng đánh trống. Khi cầu nguyện, người ta sẽ thích đứng trong các Hội Đường hoặc ngoài các ngã ba, ngã tư. Khi ăn chay, người ta sẽ làm bộ rầu rĩ.
Thế nên, qua nội dung của Bài Tin Mừng, Đức Giêsu cũng lên án lối sống vụ lợi được thể hiện trong những thói quen phô trương công đức và những việc làm đạo đức. Theo đó, ngay cả trong lãnh vực đạo đức, người ta vẫn cứ muốn sống vụ lợi như cách các diễn viên đóng kịch trên sân khấu để kiếm tiền hoặc kiếm tiếng mà không hiểu rằng việc sống đạo cần biết bao những tâm hồn thiết tha đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Rồi từ lối sống vụ hình thức, vụ lợi nhuận, người ta sẽ bước tới cách sống vụ lề luật; nghĩa là người ta sẽ phấn đấu để biết mình lập được bao nhiêu công, tránh được bao nhiêu tội, làm được bao nhiêu việc và căn cứ vào số lần đó mà đánh giá người khác là đạo đức hay khô khan.
Để sửa sai “ba cái vụ” này, Đức Giêsu đã mời gọi người ta phải đổi mới những sinh hoạt đạo đức của họ bằng cách trở về với nội dung nguyên tuyền của nó. Theo đó, ăn chay đâu phải chỉ là nhịn ăn, nhịn uống. Bố thí đâu phải là phung phí những dư thừa của mình và cầu nguyện đâu phải là việc nhàn rỗi khi hết mùa hay bận bịu khi mất mùa. Đối với Đức Giêsu, chính nội dung tâm tình và mục đích âm thầm kín đáo ở bên trong mới quyết định giá trị của một việc đạo đức. An chay để giảm cân, bớt béo mà không muốn “vỗ béo” tâm hồn thì chỉ là hình thức tinh vi của những ham muốn hưởng thụ. Bố thí để được chứng tỏ mình hào hiệp mà không tội nghiệp sự mọt ruỗng của tâm hồn mình thì chỉ là những hình thức tinh quái của lòng ham muốn hư danh. Cầu nguyện để được có tiếng là đạo đức mà không ra sức tìm gặp Chúa thì chỉ là những hình thức tinh giảm lòng nhiệt thành.
Như vậy, sứ điệp “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” của mùa chay sẽ là hướng phấn đấu để chúng ta trút bỏ con tim băng giá hay con tim hóa đá của chúng ta; đồng thời cũng trở thành tiêu chuẩn xét mình giúp chúng ta nhìn lại quá khứ đã qua và bước vào tiến trình hoán cải của mùa chay thánh; mà giờ đây, nghi thức xức tro sẽ là nghi thức đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình đó.

 Thủy Trại Lau

(Viết theo một vài gợi ý của ĐGM Giuse Vũ Duy Thống  - Làm Nụ Hoa Trắng; NXB Tôn Giáo 2007; trang 25-29).

MÙA CHAY

MÙA CHAY
(Ge 2,12-13)
Hãy xé lòng ra đừng xé áo
Tâm hồn héo úa vơí tàn phai
Trở về với Chúa Ngài lau sạch
Với cỏ lùng lau dại xác xao
Ôi Giêsu như ngọn lửa đào
Sưởi ấm bằng tình yêu muôn thuở
 Đưa con vào hồng ân chan chứa
 Trong cung lòng Thiên Chúa tình yêu
                                      
     Tác giả: Thủy Trại Lau

DÂNG MẸ HOA THIÊNG

DÂNG MẸ HOA THIÊNG

Lòng thành dâng Mẹ chút tình riêng
Bệnh của hồn con lắm muộn phiền
Bể thẳm cam đành bao sóng gió
Đường dài luống chịu bấy truân chuyên
Hồn đau cậy dựa ơn Cha Thánh
Xác khổ nương nhờ nghĩa Mẹ hiền
Ân nghĩa cao vời khôn xiết
Dâng lên kính mẹ bó hoa thiêng.
                                                                       
                                   Tác giả: Thủy Trại Lau

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Ngày Lễ Tình Yêu

Hôm nay ngày lễ Tình yêu,

Chúc cho Bạn trẻ đạt điều mình mong.

Tình yêu mạch suối trinh trong,

Dạt dào tuôn đổ vào lòng gái trai.

Để rồi xây dựng tương lai,

Thật là tốt đẹp, ngày mai huy hoàng.

Cuộc đời chan chứa bình an,

Chính nhờ sự thiện đầy tràn trí tâm.

Chẳng còn sự ác giam cầm,

Bởi bao dục vọng, sai lầm dối gian.

Suốt đời biết sống hiên ngang,

Hằng luôn tiến bước theo đàng lẽ ngay.

Giúp cho xã hội đổi thay,

Cuộc đời người thế đẹp hay mọi bề.

Cuối cùng tất cả đi về,

Đến quê Thiên Quốc tràn trề “Tình yêu”.


                                  Hai Tê Miệt Vườn

Ngày Lễ Tình Yêu: Bài Ca Dao Cho Bạn Đời



*”Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được tháo gỡ ra” –Mt.19: 6.

Bạn Đời ta gọi là Mình,
Mình ơi! Ta gọi thân tình Nhà Tôi.
Đời người cuộc sống lứa đôi,
Thân ta một nửa đã trao nhau rồi,
Thế dù năm tháng nổi trôi,
Giàu nghèo, sướng khổ vẫn thời có nhau,
Trọn tình vẹn nghĩa trước sau,
Dẫu trăm năm bạc mái đầu chẳng thay.
Lời đầu giao kết còn đây,
Tình yêu bền vững, nối giây thề nguyền.
Ghi tâm khắc cốt lời truyền,
Chúa đã phán buộc vợ chồng thực thi:
“ Thiên Chúa kết hợp điều gì,
Loài người không được gỡ đi theo mình “
Bạn Đời tình nghĩa trung trinh,
Mình ơi! Ta gọi thân tình Nhà Tôi.
Cuộc đời ta đã kết đôi,
Trăm năm đầu bạc vẫn thời có nhau.
Thương nhau xin gởi đôi câu,
Yêu nhau xin nhớ Ca dao Bạn Đời.

Đinh văn Tiến Hùng

Viếng mộ cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

Tôi đến Giáo xứ Tắc Sậy lúc 3 giờ 30 sáng ngày 7-2-2012, nhà thờ còn đóng cổng. Vậy là suốt một đêm thức trắng, có lẽ do háo hức nên không mấy người chợp mắt trên xe, vì đây là lần đầu tiên tôi được đến viếng mộ cha Trương Bửu Diệp.


Trời còn sớm nhưng các hàng quán đã mở cửa. Tôi tìm một quán cà-phê đối diện nhà thờ Tắc Sậy để vừa uống cà-phê cho tỉnh táo vừa chờ nhà thờ mở cổng lúc 4g.


Thấy đã có vài xe đến trước tôi ít phút. Hỏi thăm thì họ nói từ Chợ Mới (An Giang) và Long Thành (Đồng Nai) tới. Giao tiếp với dân địa phương thấy họ thật chân chất và hiền hòa, đúng là bản chất người dân Nam bộ miệt vườn.


Đúng 4 giờ sáng, cổng nhà thờ được mở. Mọi người kéo nhau vào viếng mộ cha Diệp. Số người khấn nguyện tại mộ cha Diệp lúc này khoảng 100 người. Tiếng kinh râm ran, khói hương nghi ngút. Trong số đó thấy có nhiều người bên lương, biết vậy nhờ nhìn cách thắp nhang: hai tay cầm nhang để trên đầu trước trán và lâm râm khấn vái.


Một bà hỏi tôi: “Không có trái cây thì cúng tiền được không?”.
Tôi hỏi: “Bà có Công giáo không?”.
Bà nói: “Không”.
Tôi nói: “Không cần trái cây hay tiền bạc gì cả, cứ thành tâm là được. Còn nếu bà muốn dâng cúng thì dâng tiền tốt hơn dâng trái cây”.
Bà cười.
Tôi hỏi: “Bà ở đâu tới?”.
Bà đáp: “Tui ở quận Tư (Saigon) tới”.


Bà vừa cười vừa cảm ơn tôi và bước đi.


Hai bên phía trước mộ cha Diệp có câu đối còn mang âm hưởng mùa Xuân: “Tết đến, Xuân sang, người nô nức – Năm qua, tuổi tới, Chúa chúc lành”. Không khí Xuân vẫn còn, Chúa Xuân còn mãi. Nhà thờ đã được xây mới hoàn toàn, Đức cố GM Emmanuel Lê Phong Thuận đặt viên đá đầu tiên ngày 24-2-2004. Nhà thờ trông rất hùng vĩ với lối kiến trúc khá ấn tượng. Các bức tượng ở đây đa số bằng gỗ quý, nét điêu khắc tinh vi. Phía trước nhà thờ có câu đối: “Vũ trụ nhiệm mầu, chính đạo bao trùm trời đất – Thiên nhiên kỳ vỹ, ơn lành tỏa khắp thế gian”.


5 giờ sáng bắt đầu giờ phụng vụ. Trước giờ lễ, mọi người đọc kinh Truyền tin rồi cùng đọc kinh Nhật Tụng (kinh của Giáo hội, nhưng thường chỉ có các giáo sĩ và tu sĩ đọc). Có lẽ đây là “nét khác” của Gx Tắc Sậy so với các giáo xứ khác. Đồng tế thánh lễ là LM chính xứ Tắc Sậy và 2 LM hành hương. Số người tham dự thánh lễ khoảng 500 người.


Trời càng sáng, xe tới càng nhiều. Đặc biệt trong số đó thấy có một xe có dán cờ Phật giáo trước xe, họ từ Châu Đốc (An Giang) tới. Trời càng sáng, xe tới càng nhiều.


Được biết Gx Tắc Sậy được thành lập năm 1925, hiện nay có khoảng 1.800 giáo dân, tọa lạc tại Ấp 2, Xã Tân Phong, huyện Giá rai, tỉnh Bạc Liêu, thuộc hạt Bạc Liêu (GP Cần Thơ). LM quản xứ hiện nay là G.B. Nguyễn Thanh Bình (sn 1958), và vừa có thêm một LM phụ tá còn trẻ và một phó tế về giúp xứ.


Mỗi ngày Gx Tắc Sậy có 3 thánh lễ. Giờ lễ Chúa nhật: 5 giờ, 7 giờ và 17 giờ. Giờ lễ ngày thường: 5 giờ, 9 giờ và 17 giờ 30. Ngày nào cũng có nhiều đoàn hành hương về viếng mộ cha Diệp, mỗi ngày có đến cả ngàn người.


Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897 tại làng Tấn Đức(nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), được rửa tội ngày 02-02-1897 tại họ đạo Cồn Phước (nay cũng thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).


Cha ngài là ông Micae Trương Văn Đặng, mę ngài là bà Lucia Lê Thị Thanh. Lúc ngài 7 tuổi (1904) thì mę mất. Cha ngài chuyển gia đình sang Battambang (Campuchia), sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyễn Thị Phước (sn 1890), cũng quê gốc tại Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu sinh cô con gái tên là Trương Thị Thìn (1913), sống tại họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.


Năm 1909, cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền gửi ngài vào Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng (thuộc xã Tấn Mỹ, Chợ Mới, An Giang). Học xong tại Tiểu Chủng Viện, ngài lên Đại chủng viện Nam Vang (Campuchia – lúc đó các họ đạo An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên trực thuộc giáo phận Pnom Penh). Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang dưới thời Đức cha G.B. Chabalier người Pháp. Lễ vinh quy và tạ ơn được tổ chức ở nhà cô ruột là bà Sáu Nhiều tại họ đạo Cồn Phước.


Từ 1924–1927, ngài được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư (một họ đạo của người Việt sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia). Từ năm 1927–1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang.


Tháng 03-1930, ngài về trông nom họ đạo Tắc Sậy, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ và thành lập nhiều họ đạo khác tại các vùng phụ cận như Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.


Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương những năm 1945–1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, cha bề trên đįa phận Bạc Liêu là Phêrô Trần Minh Ký và cả các cha người Pháp cũng khuyên ngài lên Bạc Liêu lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì sẽ trở lại họ đạo Tắc Sậy, nhưng Ngài trả lời: “Con sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên, không đi đâu cả”.


Ngày 12-03-1946, Ngài bį bắt cùng với trên 70 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt tại lẫm lúa nhà ông giáo Sự ở Cây Dừa. Người ta định giết hết tất cả nhưng ngài nói: “Chính tôi là chủ chăn các con chiên đó, vậy tôi xin chết thay cho các con chiên của tôi”. Họ chấp nhận. Mọi người được thả còn ngài bị đem đi thủ tiêu.


Những người trong họ đạo kể rằng đêm hôm ấy ngài về báo mộng cho các vị chức sắc trong họ đạo biết xác ngài bị vứt xuống cái ao nhà ông giáo Sự. Người ta đến nơi được báo mộng thì vớt được xác ngài đã bị chặt đầu với một vết chém ngang cổ chổ gần mang tai, có ba vết chém khác trên mình. Không hiểu sao thân xác ngài bị lột hết quần áo, trần trụi như Chúa Giêsu trên Thánh giá, nhưng hai tay vẫn chắp trước ngực như đang cầu nguyện và nét mặt ngài vẫn bình thản, không có vẻ gì sợ hãi.


Các vị chức sắc lén đưa xác ngài về chôn bí mật trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (ấp Thành Thưởng A, xã An Trạch, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Thành lập năm 1920, hiện nay có khoảng 570 giáo dân – nhà ông giáo Sự thuộc họ đạo Khúc Tréo), làm vậy kín đáo hơn đưa về Tắc Sậy. Như vậy ngài đã tử vì đạo ngày 12-3-1946, nhằm ngày 9-2 năm Bính Tuất.


23 năm sau (năm 1969, hài cốt ngài được cải táng, di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nơi ngài đã làm chủ chăn trong 16 năm và là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy. Trong 16 năm quản xứ Tắc Sậy, cha Diệp đã rửa tội 1643 người.


20 năm sau nữa (năm 1989), mộ ngài được trùng tu thành một ngôi nhà mộ nho nhỏ lợp tôn ở phía sau nhà thờ Tắc Sậy và được khánh thành vào ngày 04/06/1989.


Đầu năm 2010, một ngôi nhà mồ khang trang và hiện đại được xây dựng xong, hài cốt ngài được di chuyển vảo đó với nghi lễ cải táng rất long trọng do Đức cố GM giáo phận Cần Thơ Emmanuel Lê Phong Thuận cử hành. Ngày nào cũng có các tín hữu ở khắp mọi nơi trong nước cũng như ngoài nước, bên lương cũng như bên giáo, tới kính viếng và tin tưởng khấn nguyện với ngài. Rất nhiều người đã được ơn. Trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy hiện nay thấy có rất nhiều bảng tạ ơn.


Những bức tượng cha Diệp “bị” khách hành hương hàng ngày lấy tay vuốt đến bạc màu tay, bay màu áo. Có nhiều phụ nữ thành kính vừa vuốt vừa nói chuyện lớn như đang đối thoại trực tiếp với ngài vậy. Trong một phòng bên phải nhà thờ còn lưu giữ 2 tấm ván hòm của ngài.


Nói về cha Diệp, ĐGM G.B. Bùi Tuần nhận định: “Tâm lý người Việt Nam hôm nay tuy vốn trân trọng những đấng anh hùng, nhưng thích tìm đến những vị lãnh đạo dễ thương. Dễ thương ở chỗ có đời sống bình dị, đơn sơ, gần gũi, biết đưa con người vào chiều kích thiêng liêng bằng những thái độ sống cảm thương và thương xót. Sau khi gặp gỡ với những vị lãnh đạo dễ thương, họ cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương, được hy vọng. Thiết tưởng đó là một khởi đầu tôt cho mục vụ truyền giáo”.


Một nhận xét “thú vị” và cần thiết. Mong sao Giáo hội có những chủ chăn đích thực, xứng đáng là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, biết noi gương LM thánh Gioan Vianney và LM P.X. Trương Bửu Diệp.


Hiên nay, Tòa thánh đang mở án phong chân phước cho LM P.X. Trương Bửu Diệp. Xin cho Thánh Ý Chúa nên trọn nơi tôi tớ trung tín Chúa, người đã xả thân vì đoàn chiên Chúa, đúng như Chúa Giêsu xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).
Trầm Thiên Thu2/9/2012

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TÌNH YÊU

Tình yêu là gì?
Khi nói về tình yêu tôi phải thú nhận rằng, không ai trong chúng ta có thể nói về tình yêu cách rốt ráo được, mà có nói được thì đó cũng chỉ là một vài khái niệm khập khiểng mà thôi. Vì “tình yêu” nó giống như một bóng ma, ai cũng nghe và ai cũng từng nói về “tình yêu”. Thế nhưng, thử hỏi đã mấy người gặp được “tình yêu”. Chính vì thế, khi nói về tình yêu đích thực thì cũng nói một cách bóng bẫy như Xuân Diệu đã từng nói:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu...một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu...
Không chỉ có Xuân Diêu  mới nói lên được cái bóng bẩy đó. Nhưng, điều mà tôi cảm nhận cách chắc chắn rằng “tôi yêu” chứ không biết tình yêu là gì?; bởi lẽ, tôi cũng đã hai lần thấy mình “yêu” nhưng hai lần “yêu”, với hai đối tượng khác nhau mà tình cảm vẫn độc đáo và duy nhất. Vì thế, mà một cặp tình nhân “yêu nhau” thì có cảm giác như mối liên hệ của họ là độc nhất chưa từng thấy trên thế gian này, mặc dù trên thế gian có hàng trăm hàng ngàn cặp tình nhân yêu nhau, nhưng với tình yêu của họ là tất cả. Từ những kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như xuyên qua những áng văn thơ, tiểu thuyết..., đã cho ta khái niệm về “tình yêu”. Và mỗi người sẽ đi tìm cái “tình yêu và hạnh phúc” cho riêng mình tùy  vào “tình yêu” mà mình quan niêm.
“Tình yêu” bao trùm tất cả những tình cảm cao đẹp như tình mẹ cha, tình anh em, tình bạn hữu...cho đến tình yêu nam nữ, mà trong ngôn ngữ Tây phương đều gọi chung một từ: Love, Amour.
Nhưng chữ “tình yêu” ta có thể giãn lược một cách ngắn gọn là “tình yêu” nam nữ.
Trong ngôn ngữ Việt nam chữ “yêu” chỉ dành cho lứa đôi, còn những đối tượng khác thì “thương”. Nhưng chữ “thương” diễn tả mãnh liệt thì có thể dùng chữ yêu, nhưng phải đi kèm với một chữ khác: yêu thương, yêu mến, kính yêu...

Vậy làm sao để biết được khi nào thì “mình yêu” chứ không phải là “thương”?
Trong thực tế, sự khác biệt giữa “yêu” và “thương” cần phải có sự hiện diện của tình dục! Vì lẽ, con người chúng ta được cấu tạo với năm giác quan, và tình cảm sâu sắc nhất từ bên trong đòi hỏi sự thỏa mãn của giác quan đó.
Khi nói đến tình yêu nào thì cũng nói đến tình cảm và sự thỏa mãn của giác quan đó. Hay nói khác hơn, bất cứ tình yêu nào cũng có phần tình cảm và xác thịt.
Khi bắt đầu “thương” một người thì chỉ cần nhìn thấy người ấy là vui rồi, xẹt thoáng qua thấy bóng nàng hay bóng chàng là ôm mộng nằm mơ, ngây ngất cả ngày. Dần dần, thấy chưa đủ mà phải nghe tiếng nói của nàng hoặc của chàng mới sướng, chứ không thì đau buồn lắm. “Em ơi giây phút cuối không được nghe em nói, không được nhìn nhau một lần...” (Màu tím hoa sim – Hữu Loan).
Nhưng rồi cũng chưa đủ, cần phải chạm vào nhau: nắm tay, vuốt tóc,... “người ấy thường hay vuốt tóc tôi, mỉm cười trong lúc thấy tôi vui...” (Hai sắc hoa tigôn - TTKh).
Cũng chưa đủ! Cần phải ngửi cho được mùi hương quyến rũ của nhau bằng những nụ hôn nồng nàn.
Như vậy, bốn giác quan vừa nêu chưa làm thỏa mãn được “tình yêu”, mà còn phải nếm nhau. Điều này trong tình yêu nam nữ được nhà thơ Xuân Diệu nhắc tới trong bài Xa cách:
“Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng
Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm”.
Chính vì thế, mà người ta bảo rằng: Ranh giới giữa “tình bạn” và “tình yêu” là một “cái hôn”.
Như vậy, phải chăng tình yêu nam nữ là tình cảm cộng với thỏa mãn tình dục hay sao? Nam cũng thế, mà nữ cũng vậy sao? Hình như, giữa nam và nữ có sự chênh lệch rất lớn, lớn đến nỗi đã khiến cho hai người khác phái yêu nhau, khi xa nhau thì người nữ chỉ cần bức thư hay cú điện thoại là có thể trung thành chờ đợi đến suốt đời, trong khi người nam thiếu sự hiện diện của thân xác người nữ một thời gian dài thì khó lòng mà trung thành!
Nói khác đi, trong giai đoạn tình yêu chớm nở, người nữ phải chiều sự thỏa mãn của người nam để có được tình cảm, trong khi đó người nam phải chiều theo tình cảm của người nữ để có được thân xác. Nếu không kìm hãm nhu cầu “tình yêu” của mình thì “đối phương” sẽ hoảng sợ mà cao chạy xa bay và thế là mất cả chì lẫn chài. Vì thế, sự chênh lệch làm nên cái tuyệt vời và đồng thời cũng là cái đau đớn trong tình yêu. Vì lẽ, người ta thường nói: Người nữ có thể yêu mà không cần tình dục. Ngược lại, người nam có thể làm tình mà không cần yêu.
Nhưng nói gì đi nữa, với khái niện về tình yêu đã trình bày trên cũng chưa thể làm mãn nguyện được sự tò mò cũng như tính hiếu kỳ của các bạn. Bởi thế, con người sống trong một xã hội nhu cầu vật chất hay tinh thần, yêu và được yêu cũng như nhiều yếu tố tâm lý khác tác động chứ không đơn thuần là tình cảm và tình dục.
Phải nói được rằng, suốt hơn hai ngàn năm qua cho thấy: người nam là người quyết định tương quan tình yêu, nên yếu tố tình cảm nơi người nữ gần như hoàn toàn quên lãng, người nữ không có quyền yêu mà chỉ là “đối tượng” cho người nam yêu mà thôi! Vì thế, muốn được người nam yêu thì người nữ phải trở nên “món đồ” cho người nam độc quyền thỏa mãn tình dục của mình. Từ đó cái trinh là điều duy nhất người nam cần nơi người nữ; và người nữ phải bảo vệ cái trinh đó bằng bất cứ giá nào để có được tình yêu! Nhưng để bảo vệ cho cái trinh người ta bao vây bằng cả một hàng rào luân lý thật xa vời, và biến nó thành “tiết hạnh”. Khi một người con gái để cho một người nam thỏa mãn bất cứ một giác quan nào từ thị giác đến xúc giác đều là “thất tiết”, và một người đã “thất tiết” (trên bình diện luân lý) thì xem như là đã “thất trinh” (trên bình diện thể lý).
Vd: Như câu chuyện về chàng Chử Đồng Tử. Nghèo xơ xác đến trần truồng nên phải ẩn mình dưới cát để trốn Công Chúa Tiên Dung,...mới bị nhìn lén Công Chúa tắm một chut thôi, thế mà Công Chúa đã tự cho mình là “thất tiết” với anh chàng cùng đinh kia, đành phải chọn chàng làm chồng!...
Nói vây, phải chăng người phụ nữa vẫn phần nào bị bất công trong lãnh vực tình yêu sao?
Không hẵn vậy. Vì người phụ nữ tôi thiết nghĩ Nàng mới chính là thầy dạy của tình yêu. Tại sao tôi lại đề cao người phụ nữ như vậy? Bởi vì người nam khờ khạo nên nghĩ rằng mình quyết định mọi sự, trong khi đó họ chỉ tuân phục điều sâu thẳm nhất mà Tạo Hóa đặt vào mọi sinh vật...ấy là truyền sinh chủng loại.

            Tình yêu một bí nhiệm của tạo hóa
Thật vậy, Tạo Hóa đã làm nhiều kỳ công, nhưng một trong những kỳ công lớn nhất là: sau khi tác tạo những sinh vật thì cho các sinh vật có khả năng sản sinh ra những sinh vật cùng chủng loại. Chúng ta thấy các nhà khoa học chế tạo ra những con Rôbô nhưng chưa con Rôbô nào lại sản sinh ra được những con Rôbô kế tiếp.
Trái lại, Tạo Hóa đã trao mầm sống cho mọi sự vật, từ cây cỏ tầm thường nhất cho đến các động vật và đỉnh cao là con người.
Khi nói, tới sinh vật là nói tới bản năng, mà nói tới bản năng là nói tới vấn đề thích sao làm vậy như: Đói ăn, khát uống, ...tranh đấu để sinh tồn...
Còn con người không hẳn chỉ có bản năng mà còn có lý trí, mà lý trí là gì nếu không phải là “tình yêu” linh thiêng mà con người có quyền nói không với bản năng. Như vậy, vấn đề truyền sinh nơi con người không chỉ là thêm một mạng người, mà là quá trình góp phần tương tác giữa một người nam và một người nữ để làm xuất hiện một “con người” với đầy đủ ý nghĩa, chứ không giống như con vật, chỉ ăn, sống, truyền sinh, rồi chết!
Chính vì thế, mà Tạo Hóa đã gửi gắm vào nơi hai phái một sức hút mãnh liệt không ai cưỡng nỗi, một sức hút mà nếu mình không giải quyết được thì không thể nào cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn: đó là “tình yêu”. Mà chỉ có con người mới tìm hạnh phúc, còn các sinh vật chỉ tìm cách thỏa mãn các nhu cầu của bản năng.
Như vậy, phải chăng người nữ chính là tâm điểm phát xuất tình yêu?
Như đã nêu trên, trong tình yêu, người nữ trọng tình cảm và xem thường tình dục, mà người nam bị cuốn hút vào tình dục mà xem thường tình cảm. Vì lẽ đó mà có người đã đưa ra một định nghĩa làm hạ giá con người: “con người là một động vật ăn không đói, và làm tình không cần mùa!”.
Tuy nhiên, nhìn trên một khía cạnh nào đó thì con người vẫn được thăng hoa vì con người không phải xài bản năng như con vật, mà con người điều khiển bản năng của mình nhờ “tình yêu”.
Ta có thể nói, khi nam nữ yêu nhau, nơi người nữ, từ thâm sâu không bao giờ là một “người tình” để “làm tình” nhưng là một người tình để làm mẹ (nghĩa là tác tạo sự sống) là điều bao trùm lên cuộc đời của người phụ nữ. Khi người nữ chọn một người tình không phải cho mình, mà là chọn người “cha cho con mình”, vì lẽ đó mà người nữ chỉ thấy mình khi nhìn lại mình qua đứa con. Và điều hạnh phúc nhất của người nữ, không chỉ là có chồng lo lắng cho mình, mà còn cùng mình hướng về người con chung, như vậy một người nữ có chồng, cảm thấy hạnh phúc làm mẹ bao trùm lên hạnh phúc làm vợ!.
Vì lẽ đó, khi gặp phải cảnh “gà trống nuôi con”, thì người ta không hết lời ca ngợi, trong khi đó “gà mái nuôi con” thì có hàng ngàn hàng vạn trường hợp như ai, cũng là chuyện bình thường.
Nói như vậy thì các bạn lại bảo, “tình yêu” chỉ có thế thôi sao?
Dĩ nhiên là không chỉ có thế, mà trong thực tế ta lại thấy: trong người nam có chút nữ, và trong người nữ có chút nam. Thế thì, người nữ cũng có tính dục ít nhiều chứ đâu chỉ có tình cảm. Và người nam vẫn có ít nhiều tình cảm chứ đâu chỉ tình dục đâu. Vì vậy, người nam và người nữ sẽ có cách tìm kiếm và thể hiện tình yêu lứa đôi một cách độc đáo, không ai giống ai.
Dù có độc đáo đến đâu đi nữa thì tiếng gọi “tình yêu ấy” vẫn  Huyền nhiệm xuất phát từ việc bổ túc cho nhau để nam và nữ được trọn vẹn không thể tách rời nhau, thà chết chứ không để mất em, thà chết chứ không để mất anh. “chiến trường đẫm máu anh không sợ, chỉ sợ đường về vắng bóng em” hay nói như Hàn Mặc Tử trong bài thơ – Những Giọt Lệ:
“Người đi một nữa hồn tôi mất
Một nữa hồn tôi bổng dại khờ”
Tuy nhiên trong cuộc sống hôm nay, đâu phải đôi uyên ương nào cũng suôn sẽ cả đâu. Biết bao nhiêu người đã “yêu” cùng một người...rồi bên cạnh đó còn có những cặp vợ chồng sống không phải vì yêu mà vì ép buộc, vì tiền bạc...

Thế thì đâu là tình yêu chân chính?
Một tình yêu chân chính là một tình yêu làm cho con người của mình được triển nở trọn vẹn. Hay nói cách khác, một tình yêu chân chính là một tình yêu làm cho mình thăng hoa từ thể chất đến tinh thần, đó là tình yêu chân chính. Và ngược lại, tình yêu nào đem lại cái chết trong thân xác hay trong tâm hồn, làm cho mình đi trong sự thấp hèn, thì có thể xem đó là một tình yêu không chân chính.
Nhưng, khi nói về sự thăng hoa thì không có nghĩa là không đau xót, không mất mát, vì cái tuyệt vời cũng là cái cay đắng của tình yêu mà. Vậy muốn cho tình yêu trọn vẹn phải có sự đồng thuận, đồng tình, đồng cảm, đồng điệu... của hai người, cho dù là cặp tình nhân tuổi đôi mươi, hay của hai người đang hưởng tuần trăng mật...cho đến cặp vợ chồng 50, 70..., tất cả đều thể hiện tình yêu duy nhất, chứ không chỉ nói rằng tình yêu của hai cô cậu đêm đêm ngồi thức tới 1,2,3h sáng nhắn tin cho nhau thì sâu đậm hơn tình yêu của hai cụ già ở cạnh nhau từ sáng đến chiều mà không còn nói với nhau một tiếng. Và cũng không thể bảo rằng tình yêu của hai vợ chồng chạy ngược chạy xuôi lo cho các con có miếng cơm manh áo đến độ không còn thì giờ dành cho nhau lại không mãnh liệt bằng tình yêu của hai bạn trẻ, công nhân, sinh viên “góp gạo nấu cơm chung” cùng một phòng trọ.
Khi những rung động đầu đời của con tim bắt đầu ngân lên, thì tình yêu dường như là một trái chín ngọt bùi, mà càng nếm thì càng thấy say mê, không nếm được thì con tim nhói lên quằn qoại. Nhưng thời gian trôi qua, khi lưỡi đã quen dần với hương vị của ngọt bùi, người ta mới nhận ra rằng tình yêu là một đòi hỏi gắt gao, vì tình yêu đòi hỏi mình phải gột rửa để cho khớp với người mình yêu. Chính vì sự gột rửa, mất mát đau thương đó mới đem lại tình yêu chân chính được.
“Hạt lúa không thể mọc lên và trổ bông, nếu không vùi mình xuống đất mà mục nát!”.
Thật ngớ ngẫn khi nói hết lời rồi, mà rốt cuộc tình yêu là gì nhỉ? Có người xem tình yêu như một cầu vồng, chỉ nhìn vào những màu sắc rực rỡ chơi cho vui chứ đừng đem ra phân tích như một nhà toán học, vì như vậy sẽ làm mất đi cái đẹp của “tình yêu”.
Riêng tôi, tôi thiết nghĩ: tình yêu cũng giống như một bông hoa trong vườn, nhưng với nhiều cách tiếp cận khác nhau trên nhiều lãnh vực như: một họa sĩ ngắm hoa sẽ khác, một thi sĩ ngắm hoa sẽ khác....như vậy tình yêu là gì? Đó chính là bí nhiệm vượt quá khả năng của con người, vì “con người là hữu hạn nhưng lại khát khao một tình yêu vô hạn”. Nên chúng  ta chỉ nói về tình yêu cách bóng bẫy khập khiểng mà thôi....

                                                                                                 Tác giả: Thủy Trại Lau

NHỚ MẸ XUÂN NÀY


(Viết tặng các ban không về quê ăn tết)

Mùa xuân này con vẫn ở nơi xa
Gửi giọt nắng nay về vui với mẹ
Gió có về xin gió đừng quên nhé!
Hôn mẹ giùm cho vơi nỗi nhớ thương
Hôn mái tóc đã điểm bac gió sương
Xuân năm nay con nhớ hoài mắt mẹ
Thoáng nét buồn nhìn xa xăm lặng lẽ
Cánh mai vang lác đác rụng ngoài hiên
Bấy năm rồi, nhớ người mẹ thôn quê
Con mãi mãi ghi vào trong sâu thẳm
Mùa xuân này rồi sẽ qua mau lắm
Như năm nào con với mẹ bên nhau
Nay xa cách chôn vùi trong thương nhớ
Gói ghém hồn con gửi về ngoài (…) nớ
Mẹ nhận giùm con thì thầm lời gió
Hẹn xuân sau biết đâu con sẽ về

                  Tác giả: Thủy Trại Lau