Quyết bào mòn sách vở - để lập trình tương lai

++ CLOISTERER, STUDENT AND YOUTH PHU QUY GROUPS ++ IN SAI GON ++ WE LOOK FORWARD TO THE CONTRIBUTION AND SHARE YOU ALL ! ++

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TÌNH YÊU

Tình yêu là gì?
Khi nói về tình yêu tôi phải thú nhận rằng, không ai trong chúng ta có thể nói về tình yêu cách rốt ráo được, mà có nói được thì đó cũng chỉ là một vài khái niệm khập khiểng mà thôi. Vì “tình yêu” nó giống như một bóng ma, ai cũng nghe và ai cũng từng nói về “tình yêu”. Thế nhưng, thử hỏi đã mấy người gặp được “tình yêu”. Chính vì thế, khi nói về tình yêu đích thực thì cũng nói một cách bóng bẫy như Xuân Diệu đã từng nói:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu...một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu...
Không chỉ có Xuân Diêu  mới nói lên được cái bóng bẩy đó. Nhưng, điều mà tôi cảm nhận cách chắc chắn rằng “tôi yêu” chứ không biết tình yêu là gì?; bởi lẽ, tôi cũng đã hai lần thấy mình “yêu” nhưng hai lần “yêu”, với hai đối tượng khác nhau mà tình cảm vẫn độc đáo và duy nhất. Vì thế, mà một cặp tình nhân “yêu nhau” thì có cảm giác như mối liên hệ của họ là độc nhất chưa từng thấy trên thế gian này, mặc dù trên thế gian có hàng trăm hàng ngàn cặp tình nhân yêu nhau, nhưng với tình yêu của họ là tất cả. Từ những kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như xuyên qua những áng văn thơ, tiểu thuyết..., đã cho ta khái niệm về “tình yêu”. Và mỗi người sẽ đi tìm cái “tình yêu và hạnh phúc” cho riêng mình tùy  vào “tình yêu” mà mình quan niêm.
“Tình yêu” bao trùm tất cả những tình cảm cao đẹp như tình mẹ cha, tình anh em, tình bạn hữu...cho đến tình yêu nam nữ, mà trong ngôn ngữ Tây phương đều gọi chung một từ: Love, Amour.
Nhưng chữ “tình yêu” ta có thể giãn lược một cách ngắn gọn là “tình yêu” nam nữ.
Trong ngôn ngữ Việt nam chữ “yêu” chỉ dành cho lứa đôi, còn những đối tượng khác thì “thương”. Nhưng chữ “thương” diễn tả mãnh liệt thì có thể dùng chữ yêu, nhưng phải đi kèm với một chữ khác: yêu thương, yêu mến, kính yêu...

Vậy làm sao để biết được khi nào thì “mình yêu” chứ không phải là “thương”?
Trong thực tế, sự khác biệt giữa “yêu” và “thương” cần phải có sự hiện diện của tình dục! Vì lẽ, con người chúng ta được cấu tạo với năm giác quan, và tình cảm sâu sắc nhất từ bên trong đòi hỏi sự thỏa mãn của giác quan đó.
Khi nói đến tình yêu nào thì cũng nói đến tình cảm và sự thỏa mãn của giác quan đó. Hay nói khác hơn, bất cứ tình yêu nào cũng có phần tình cảm và xác thịt.
Khi bắt đầu “thương” một người thì chỉ cần nhìn thấy người ấy là vui rồi, xẹt thoáng qua thấy bóng nàng hay bóng chàng là ôm mộng nằm mơ, ngây ngất cả ngày. Dần dần, thấy chưa đủ mà phải nghe tiếng nói của nàng hoặc của chàng mới sướng, chứ không thì đau buồn lắm. “Em ơi giây phút cuối không được nghe em nói, không được nhìn nhau một lần...” (Màu tím hoa sim – Hữu Loan).
Nhưng rồi cũng chưa đủ, cần phải chạm vào nhau: nắm tay, vuốt tóc,... “người ấy thường hay vuốt tóc tôi, mỉm cười trong lúc thấy tôi vui...” (Hai sắc hoa tigôn - TTKh).
Cũng chưa đủ! Cần phải ngửi cho được mùi hương quyến rũ của nhau bằng những nụ hôn nồng nàn.
Như vậy, bốn giác quan vừa nêu chưa làm thỏa mãn được “tình yêu”, mà còn phải nếm nhau. Điều này trong tình yêu nam nữ được nhà thơ Xuân Diệu nhắc tới trong bài Xa cách:
“Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng
Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm”.
Chính vì thế, mà người ta bảo rằng: Ranh giới giữa “tình bạn” và “tình yêu” là một “cái hôn”.
Như vậy, phải chăng tình yêu nam nữ là tình cảm cộng với thỏa mãn tình dục hay sao? Nam cũng thế, mà nữ cũng vậy sao? Hình như, giữa nam và nữ có sự chênh lệch rất lớn, lớn đến nỗi đã khiến cho hai người khác phái yêu nhau, khi xa nhau thì người nữ chỉ cần bức thư hay cú điện thoại là có thể trung thành chờ đợi đến suốt đời, trong khi người nam thiếu sự hiện diện của thân xác người nữ một thời gian dài thì khó lòng mà trung thành!
Nói khác đi, trong giai đoạn tình yêu chớm nở, người nữ phải chiều sự thỏa mãn của người nam để có được tình cảm, trong khi đó người nam phải chiều theo tình cảm của người nữ để có được thân xác. Nếu không kìm hãm nhu cầu “tình yêu” của mình thì “đối phương” sẽ hoảng sợ mà cao chạy xa bay và thế là mất cả chì lẫn chài. Vì thế, sự chênh lệch làm nên cái tuyệt vời và đồng thời cũng là cái đau đớn trong tình yêu. Vì lẽ, người ta thường nói: Người nữ có thể yêu mà không cần tình dục. Ngược lại, người nam có thể làm tình mà không cần yêu.
Nhưng nói gì đi nữa, với khái niện về tình yêu đã trình bày trên cũng chưa thể làm mãn nguyện được sự tò mò cũng như tính hiếu kỳ của các bạn. Bởi thế, con người sống trong một xã hội nhu cầu vật chất hay tinh thần, yêu và được yêu cũng như nhiều yếu tố tâm lý khác tác động chứ không đơn thuần là tình cảm và tình dục.
Phải nói được rằng, suốt hơn hai ngàn năm qua cho thấy: người nam là người quyết định tương quan tình yêu, nên yếu tố tình cảm nơi người nữ gần như hoàn toàn quên lãng, người nữ không có quyền yêu mà chỉ là “đối tượng” cho người nam yêu mà thôi! Vì thế, muốn được người nam yêu thì người nữ phải trở nên “món đồ” cho người nam độc quyền thỏa mãn tình dục của mình. Từ đó cái trinh là điều duy nhất người nam cần nơi người nữ; và người nữ phải bảo vệ cái trinh đó bằng bất cứ giá nào để có được tình yêu! Nhưng để bảo vệ cho cái trinh người ta bao vây bằng cả một hàng rào luân lý thật xa vời, và biến nó thành “tiết hạnh”. Khi một người con gái để cho một người nam thỏa mãn bất cứ một giác quan nào từ thị giác đến xúc giác đều là “thất tiết”, và một người đã “thất tiết” (trên bình diện luân lý) thì xem như là đã “thất trinh” (trên bình diện thể lý).
Vd: Như câu chuyện về chàng Chử Đồng Tử. Nghèo xơ xác đến trần truồng nên phải ẩn mình dưới cát để trốn Công Chúa Tiên Dung,...mới bị nhìn lén Công Chúa tắm một chut thôi, thế mà Công Chúa đã tự cho mình là “thất tiết” với anh chàng cùng đinh kia, đành phải chọn chàng làm chồng!...
Nói vây, phải chăng người phụ nữa vẫn phần nào bị bất công trong lãnh vực tình yêu sao?
Không hẵn vậy. Vì người phụ nữ tôi thiết nghĩ Nàng mới chính là thầy dạy của tình yêu. Tại sao tôi lại đề cao người phụ nữ như vậy? Bởi vì người nam khờ khạo nên nghĩ rằng mình quyết định mọi sự, trong khi đó họ chỉ tuân phục điều sâu thẳm nhất mà Tạo Hóa đặt vào mọi sinh vật...ấy là truyền sinh chủng loại.

            Tình yêu một bí nhiệm của tạo hóa
Thật vậy, Tạo Hóa đã làm nhiều kỳ công, nhưng một trong những kỳ công lớn nhất là: sau khi tác tạo những sinh vật thì cho các sinh vật có khả năng sản sinh ra những sinh vật cùng chủng loại. Chúng ta thấy các nhà khoa học chế tạo ra những con Rôbô nhưng chưa con Rôbô nào lại sản sinh ra được những con Rôbô kế tiếp.
Trái lại, Tạo Hóa đã trao mầm sống cho mọi sự vật, từ cây cỏ tầm thường nhất cho đến các động vật và đỉnh cao là con người.
Khi nói, tới sinh vật là nói tới bản năng, mà nói tới bản năng là nói tới vấn đề thích sao làm vậy như: Đói ăn, khát uống, ...tranh đấu để sinh tồn...
Còn con người không hẳn chỉ có bản năng mà còn có lý trí, mà lý trí là gì nếu không phải là “tình yêu” linh thiêng mà con người có quyền nói không với bản năng. Như vậy, vấn đề truyền sinh nơi con người không chỉ là thêm một mạng người, mà là quá trình góp phần tương tác giữa một người nam và một người nữ để làm xuất hiện một “con người” với đầy đủ ý nghĩa, chứ không giống như con vật, chỉ ăn, sống, truyền sinh, rồi chết!
Chính vì thế, mà Tạo Hóa đã gửi gắm vào nơi hai phái một sức hút mãnh liệt không ai cưỡng nỗi, một sức hút mà nếu mình không giải quyết được thì không thể nào cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn: đó là “tình yêu”. Mà chỉ có con người mới tìm hạnh phúc, còn các sinh vật chỉ tìm cách thỏa mãn các nhu cầu của bản năng.
Như vậy, phải chăng người nữ chính là tâm điểm phát xuất tình yêu?
Như đã nêu trên, trong tình yêu, người nữ trọng tình cảm và xem thường tình dục, mà người nam bị cuốn hút vào tình dục mà xem thường tình cảm. Vì lẽ đó mà có người đã đưa ra một định nghĩa làm hạ giá con người: “con người là một động vật ăn không đói, và làm tình không cần mùa!”.
Tuy nhiên, nhìn trên một khía cạnh nào đó thì con người vẫn được thăng hoa vì con người không phải xài bản năng như con vật, mà con người điều khiển bản năng của mình nhờ “tình yêu”.
Ta có thể nói, khi nam nữ yêu nhau, nơi người nữ, từ thâm sâu không bao giờ là một “người tình” để “làm tình” nhưng là một người tình để làm mẹ (nghĩa là tác tạo sự sống) là điều bao trùm lên cuộc đời của người phụ nữ. Khi người nữ chọn một người tình không phải cho mình, mà là chọn người “cha cho con mình”, vì lẽ đó mà người nữ chỉ thấy mình khi nhìn lại mình qua đứa con. Và điều hạnh phúc nhất của người nữ, không chỉ là có chồng lo lắng cho mình, mà còn cùng mình hướng về người con chung, như vậy một người nữ có chồng, cảm thấy hạnh phúc làm mẹ bao trùm lên hạnh phúc làm vợ!.
Vì lẽ đó, khi gặp phải cảnh “gà trống nuôi con”, thì người ta không hết lời ca ngợi, trong khi đó “gà mái nuôi con” thì có hàng ngàn hàng vạn trường hợp như ai, cũng là chuyện bình thường.
Nói như vậy thì các bạn lại bảo, “tình yêu” chỉ có thế thôi sao?
Dĩ nhiên là không chỉ có thế, mà trong thực tế ta lại thấy: trong người nam có chút nữ, và trong người nữ có chút nam. Thế thì, người nữ cũng có tính dục ít nhiều chứ đâu chỉ có tình cảm. Và người nam vẫn có ít nhiều tình cảm chứ đâu chỉ tình dục đâu. Vì vậy, người nam và người nữ sẽ có cách tìm kiếm và thể hiện tình yêu lứa đôi một cách độc đáo, không ai giống ai.
Dù có độc đáo đến đâu đi nữa thì tiếng gọi “tình yêu ấy” vẫn  Huyền nhiệm xuất phát từ việc bổ túc cho nhau để nam và nữ được trọn vẹn không thể tách rời nhau, thà chết chứ không để mất em, thà chết chứ không để mất anh. “chiến trường đẫm máu anh không sợ, chỉ sợ đường về vắng bóng em” hay nói như Hàn Mặc Tử trong bài thơ – Những Giọt Lệ:
“Người đi một nữa hồn tôi mất
Một nữa hồn tôi bổng dại khờ”
Tuy nhiên trong cuộc sống hôm nay, đâu phải đôi uyên ương nào cũng suôn sẽ cả đâu. Biết bao nhiêu người đã “yêu” cùng một người...rồi bên cạnh đó còn có những cặp vợ chồng sống không phải vì yêu mà vì ép buộc, vì tiền bạc...

Thế thì đâu là tình yêu chân chính?
Một tình yêu chân chính là một tình yêu làm cho con người của mình được triển nở trọn vẹn. Hay nói cách khác, một tình yêu chân chính là một tình yêu làm cho mình thăng hoa từ thể chất đến tinh thần, đó là tình yêu chân chính. Và ngược lại, tình yêu nào đem lại cái chết trong thân xác hay trong tâm hồn, làm cho mình đi trong sự thấp hèn, thì có thể xem đó là một tình yêu không chân chính.
Nhưng, khi nói về sự thăng hoa thì không có nghĩa là không đau xót, không mất mát, vì cái tuyệt vời cũng là cái cay đắng của tình yêu mà. Vậy muốn cho tình yêu trọn vẹn phải có sự đồng thuận, đồng tình, đồng cảm, đồng điệu... của hai người, cho dù là cặp tình nhân tuổi đôi mươi, hay của hai người đang hưởng tuần trăng mật...cho đến cặp vợ chồng 50, 70..., tất cả đều thể hiện tình yêu duy nhất, chứ không chỉ nói rằng tình yêu của hai cô cậu đêm đêm ngồi thức tới 1,2,3h sáng nhắn tin cho nhau thì sâu đậm hơn tình yêu của hai cụ già ở cạnh nhau từ sáng đến chiều mà không còn nói với nhau một tiếng. Và cũng không thể bảo rằng tình yêu của hai vợ chồng chạy ngược chạy xuôi lo cho các con có miếng cơm manh áo đến độ không còn thì giờ dành cho nhau lại không mãnh liệt bằng tình yêu của hai bạn trẻ, công nhân, sinh viên “góp gạo nấu cơm chung” cùng một phòng trọ.
Khi những rung động đầu đời của con tim bắt đầu ngân lên, thì tình yêu dường như là một trái chín ngọt bùi, mà càng nếm thì càng thấy say mê, không nếm được thì con tim nhói lên quằn qoại. Nhưng thời gian trôi qua, khi lưỡi đã quen dần với hương vị của ngọt bùi, người ta mới nhận ra rằng tình yêu là một đòi hỏi gắt gao, vì tình yêu đòi hỏi mình phải gột rửa để cho khớp với người mình yêu. Chính vì sự gột rửa, mất mát đau thương đó mới đem lại tình yêu chân chính được.
“Hạt lúa không thể mọc lên và trổ bông, nếu không vùi mình xuống đất mà mục nát!”.
Thật ngớ ngẫn khi nói hết lời rồi, mà rốt cuộc tình yêu là gì nhỉ? Có người xem tình yêu như một cầu vồng, chỉ nhìn vào những màu sắc rực rỡ chơi cho vui chứ đừng đem ra phân tích như một nhà toán học, vì như vậy sẽ làm mất đi cái đẹp của “tình yêu”.
Riêng tôi, tôi thiết nghĩ: tình yêu cũng giống như một bông hoa trong vườn, nhưng với nhiều cách tiếp cận khác nhau trên nhiều lãnh vực như: một họa sĩ ngắm hoa sẽ khác, một thi sĩ ngắm hoa sẽ khác....như vậy tình yêu là gì? Đó chính là bí nhiệm vượt quá khả năng của con người, vì “con người là hữu hạn nhưng lại khát khao một tình yêu vô hạn”. Nên chúng  ta chỉ nói về tình yêu cách bóng bẫy khập khiểng mà thôi....

                                                                                                 Tác giả: Thủy Trại Lau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét