Quyết bào mòn sách vở - để lập trình tương lai

++ CLOISTERER, STUDENT AND YOUTH PHU QUY GROUPS ++ IN SAI GON ++ WE LOOK FORWARD TO THE CONTRIBUTION AND SHARE YOU ALL ! ++

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

TRỌN ĐỜI DÂNG HIẾN

TRỌN ĐỜI DÂNG HIẾN

Mai Nguyên Vũ
Sau cơm tối, cha Gíam đốc đại chủng viện đi dạo với thầy nghĩa tử Lê Đình Huy. Thầy mới nhận cha được mấy tháng nay, sau khi nghĩa phụ cũ qua đời. Thầy đang theo học lớp Thần 4, đại chủng viện Thánh Giuse Saigon, còn vài năm nữa sẽ chịu chức linh mục. Vì vậy, nghĩa phụ hay gặp nghĩa tử để thắt chặt tình cha con và chuẩn bị cho biến cố trọng đại ấy.
_ Cha con mình cùng quê Đà Lạt. Nhà cha ở đường Hà Huy Gíap. Còn con ở khu nào?
_ Dạ, nhà con gần Thung Lũng Tình Yêu.
_ Gia đình con có mấy anh chị em?
_ Thưa cha, con là con một ạ.
_ Trời đất, con một mà dám đi tu. Không sợ mất giống à? Sao ông bà cố lười đẻ thế?
_ Con được 7 tháng tuổi thì ba mất do tai nạn giao thông. Mẹ ở vậy nuôi con.
_ Cha xin lỗi.Tội nghiệp quá! Ba con cũng là người Đà Lạt chứ?
_ Dạ không. Quê nội con ở Bảo Lộc. Sau khi ba mất, mẹ bế con về Đà Lạt, ở gần nhà ông bà ngoại.
_ Mẹ làm nghề gì?
_ Mẹ con chuyên trồng hoa.
_ Con xin đi tu, mẹ có buồn không? Nội ngoại phản ứng thế nào?
_ Thưa cha, con còn nhớ sáng hôm ấy đi lễ về, con thưa với mẹ:
“ Mẹ ơi, mẹ cho con đi tu nhé. Con ước ao làm linh mục từ lâu rồi. Nhưng nếu mẹ gật đầu thì con mới đi ”. Mẹ con chết lặng hồi lâu. Đôi mắt buồn nhìn vào cõi xa xăm. Hai hàng nước mắt ứa ra. Ngày hôm sau, mẹ bảo: “Con cho mẹ một tháng suy nghĩ và cầu nguyện”. Từ hôm đó, mẹ ít nói và gầy hẳn đi. Một tháng sau, mẹ trả lời:
_ “Đúng ra, mẹ có quyền trả lời “không”, vì con là lẽ sống duy nhất của mẹ. Nhưng con cái là hồng ân Chúa ban.Chúa ban con cho mẹ, nay Chúa gọi con theo Ngài, mẹ không được từ chối. Mẹ phải học gương Tổ Phụ Abraham, hiến tế đứa con một của mình cho Thiên Chúa. Mẹ phải học gương Mẹ Maria , sẵn sàng thưa “xin vâng” trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thời con gái, mẹ đã một lần xin vâng. Hồi ba mất đi, mẹ cũng xin vâng. Nếu Chúa muốn con theo Ngài, mẹ cũng cúi đầu xin vâng”. Năm sau, con vào chủng viện, cả nội lẫn ngoại đều phản đối kịch liệt, nhất là bên nội, vì con là cháu đích tôn.
_ Mẹ con tên gì?
_ Hoàng Thị Hiền ạ.
_ Hoàng Thị Hiền? Hoàng Thị Hiền?!?!
Cha giám đốc đứng bất động hồi lâu. Đôi mắt ngài đăm chiêu nhìn về cõi xa xăm. Một lúc sau, ngài giật mình hỏi thầy Huy:
_ Con có hình mẹ ở đây không?
Thầy mở ví, đưa cha xem khuôn mặt người phụ nữ can đảm ấy… Cha bị choáng, phải bám vào cột hành lang. Thầy Huy vội dìu cha về phòng. Qúa khứ xa xưa ùa về trong tâm trí cha…
Rồi ngày không mong đợi đã đến, ngày chia tay của các cô cậu lớp 12. Hiền chuẩn bị tinh thần cả mấy tháng nay, nhưng vừa nhìn thấy cây phượng già, hoa nhuộm đỏ ối cổng trường, nỗi nghẹn ngào đã dâng lên tận cổ. Bạn bè gặp nhau, đứa nào cũng cố nở nụ cười gượng gạo, nhưng không che dấu hết nỗi niềm bên trong. Nhỏ Thi mắt đỏ hoe, đưa cho Hiền tập lưu bút:
_ Cậu viết cho tớ vài trang, đánh dấu những ngày đẹp nhất đời con gái chúng mình.
_ Thi ơi, đầu óc mình đang nhộn nhạo hết cả lên, làm sao mà viết được. Hẹn bồ vài ngày nữa nhé.
Lễ tổng kết năm học, cũng là kết thúc12 năm đèn sách của khối 12, ngày tan đàn xẻ nghé của lớp 12 A3. Người ta đọc diễn văn rồi phát thưởng ì xèo, nhưng có ai còn tâm trí đâu mà theo dõi. Có bạn quay ngang quay dọc, nước mắt lưng tròng như muốn thu nhận lần cuối những khuôn mặt bạn bè thân thương. Bạn khác hiện đại hơn, cầm máy ảnh bấm lia bấm lịa như muốn ghi lại lần cuối cảnh sum họp của lớp mình. Mai đây, mỗi đứa một nơi. Đứa lên đại học, đứa đi theo chồng, không biết bao giờ mới gặp lại nhau. Còn Hiền, mắt đau đáu nhìn về một hướng, nơi ấy có Hải đang ngồi gục đầu xuống gối.
Hiền và Hải quen nhau từ năm lớp 10. Chỉ là mối tình học trò trong sáng, nhưng đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào. Từ những buổi tập văn nghệ của lớp, cho tới dịp cắm trại Thiếu nhi giáo xứ. Hai đứa thỉnh thoảng được “trời cho” những giây phút êm đềm bên nhau. Không nói được nhiều, chỉ cần ánh mắt giao nhau là hạnh phúc dạt dào dâng lên như thuỷ triều trào dâng theo mỗi kỳ trăng đến.
Hiền quên sao được những đêm Trung thu và Noel. Nhóm bạn lớp thường rủ nhau đi xem múa lân, hội chợ hay dạo phố. Y kỳ, lần nào cũng thế, cả nhóm chỉ tập trung được một lúc, sau đó, từng cặp từng cặp tự động tách riêng ra, như điện tử từng cặp âm dương hút nhau. Các bạn dắt nhau đi hết, còn trật lại hai đứa Hải, Hiền. Thế là Hải lại khoác tay Hiền đi dạo phố trong niềm vui khôn tả. Hải dắt Hiền đi qua “chợ Âm Phủ”, rồi vòng quanh hồ Xuân Hương. Đêm nay sương mù dày đặc. Sương từ trời sà xuống ngọn thông, tụt khỏi gốc thông, lan ra đường phố, phủ kín mặt hồ. Người đi bộ ngược chiều chui từ màn sương ra, như ca sĩ bước ra từ làn khói sân khấu. Đà Lạt đêm nay lạnh lắm. Từng làn gió lạnh buốt từ hồ thổi vi vu qua triệu lá thông, đem không khí Noel đến cho mọi nhà. Hiền lạnh cóng. Nàng run lên bần bật. Môi thâm tím. Bàn tay như đá lạnh. Hải dìu Hiền ngồi xuống gốc thông già. Chàng vòng tay ôm Hiền thật chặt để chuyền hơi ấm cho nàng. Từng tế bào Hiền lần lượt trỗi dậy, truyền cho nhau dòng điện cao thế. Toàn thân nàng bừng cháy, rung lên từng hồi rồi tê dại đi. Nàng như người xuất thần, quên hết thực tại, chỉ muốn tan biến vào hư vô với chàng. Hai đứa lạc vào chốn Thiên thai như thế không biết bao lâu. Khi Hiền bừng tỉnh là lúc chuông nhà thờ ngân vang. Nàng chợt nhớ: đêm nay Noel. Hai đứa vội vàng dắt nhau đi lễ.
Nhà thờ Con Gà rực sáng trong muôn ánh hào quang. Từng đoàn người khăn len áo ấm hớn hở tuôn về nhà Chúa. Hiền tưởng như hôm nay là hôn lễ của nàng. Người ta đang đến chúc mừng cho cuộc tình vừa mới ra đời. “Bài thánh ca buồn” ngân vang. Hiền nhớ ra: tình khúc này ra đời tại đây. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ một lần đi lễ Noel, gặp người trong mộng đã viết nên ca khúc để đời này. Ngày ấy,chàng nhạc sĩ khù khờ để vụt mất người yêu. Còn Hiền và Hải thì sao? “Lạy Chúa, Chúa đã xuống đời đem bình an, tình yêu, hạnh phúc đến cho nhân loại. Xin Chúa thương chúc lành cho mối tình non trẻ này. Xin cho chúng con trọn đời hạnh phúc bên nhau. Amen”.
Đó là Noel năm lớp 11. Còn năm lớp 12, Hải như thay lòng đổi dạ. Chàng ít gặp Hiền hơn. Những lúc vô tình giáp mặt nhau, chàng chỉ chào hỏi vài câu qua loa theo phép lịch sự. Hiền sinh nghi. Nàng để ý theo dõi xem Hải có cặp bồ với ai. Nhưng không, chàng vẫn đứng đắn, nghiêm trang như thầy tu. Đêm Noel, chàng mời nàng đi ăn kem. Chàng ngồi im trong góc quán, cúi gầm mặt xuống, đầu nặng trĩu tâm sự.
_ Lâu nay anh làm sao vậy?
_ Anh muốn nói với em một điều hệ trọng.
_ Có gì mà ghê gớm thế?
_ Mấy tháng nay, chúa nhật nào anh cũng theo cha phó đi thăm người dân tộc trong rừng sâu.
_ Ô thích quá! Có vui không anh? Sao không rủ em đi với?
_ Đường xa, trèo đèo lội suối cực lắm, em đi sao được.
_ Anh có uống rượu cần, nhảy nhót với cô gái Kơho nào không? Chắc bị cô ta hớp hồn rồi chứ gì?
_ Anh bị hớp hồn, nhưng không phải cô gái hay người nào khác.
_ Anh nói gì em không hiểu.
_ Mỗi lần đi về, anh bị dằn vặt ghê gớm. Lúc nào cũng có tiếng gọi thôi thúc anh lên đường đi cứu giúp người dân tộc. Họ sống nghèo nàn, lạc hậu lắm. Quần áo không có mà mặc. Cơm ăn bữa no bữa đói. Ốm đau không lo thuốc men, cứ đi cúng thầy Mo. Nhiều người bỏ mạng. Cha Qúi tuần nào cũng lặn lội vào với họ. Họ rất thích nghe cha giảng về Chúa. Người xin theo đạo đông lắm. Công việc nhiều vô kể. Một mình cha làm không xuể.
_ Anh muốn đi tu, theo cha vào ở với họ chứ gì?
_ Em đoán đúng quá. Nhưng em phải gật đầu thì anh mới đi được.
Hiền sa sầm nét mặt, không nói thêm lời nào nữa. Hai ly kem không ai đoái hoài chảy tan thành nước. Mỗi đứa quay nhìn một hướng, theo đuổi ý nghĩ riêng mình. Không khí nặng nề, căng thẳng… 9g, chuông nhà thờ ngân vang. Hai đứa lầm lũi đi về hướng nhà thờ Chánh Toà. Ai đó lại mở “Bài thánh ca buồn”. Ôi bài tình ca sao buồn quá! Đêm nay cũng là đêm Noel u ám nhất…Lễ xong, Hiền ghé vào tai Hải:
_ Anh đợi em một tháng, để em suy nghĩ và cầu nguyện đã.
**************************
Đà Lạt vào đông. Làn gió ban mai mát lạnh từ hồ Xuân Hương thổi tới, cuốn lá vàng bay xào xạc. Cả thành phố bừng lên, rực rỡ muôn ngàn sắc hoa. Từ bờ hồ, công viên, hiên nhà, đến lề đường, đồi cỏ, hoa nở rộ khắp nơi: phượng tím, mi-mô-da, lai- ơn, li-li, hoa đào, xác pháo, cẩm tú cầu, hoa lan, dã quì…Trời càng lạnh, hoa càng đẹp. Đẹp nhất là hoa hồng. Những bông hoa trắng, vàng, đỏ, hồng lóng lánh giọt sương, đứng rung rinh trong gió, đón vầng hồng đang lên, giữa một vùng cỏ non xanh biếc.
Trên đường phố, một bầy bé gái mặc đầm trắng tinh, tay ôm hoa, đang tung tăng tiến về nhà Chúa. Nhà thờ Chánh Toà Đà Lạt hôm nay tưng bừng cờ hoa, hân hoan chào đón tân linh mục về vinh qui bái tổ. Lâu lắm rồi, giáo xứ mới có người con làm linh mục. Nhà thờ chật cứng. Nhiều người phải đứng tràn ra sân. Hai bên nhà thờ cũng đầy ắp người. Thánh lễ diễn ra hết sức trang trọng trong bầu khí sốt sắng nhưng cũng rất hân hoan. Sau phép lành cuối lễ, linh mục nghĩa phụ cầm micro xin có đôi lời với cộng đoàn dân Chúa:
“ Kính thưa quí ông bà anh chị em rất thân thương, cách nay 18 năm, tôi cũng được về đây dâng lễ Tạ ơn như cha mới hôm nay, vì tôi là người con của đất mẹ Đà Lạt. Hôm nay, tôi xin kể cho anh chị em nghe chuyện tình của tôi cách nay 27 năm. Ngày ấy tôi học cấp 3 trường Bùi Thị Xuân. Cũng như bao chàng trai khác, tôi có một cô bạn gái học chung lớp rất đẹp và dễ thương. Dù chỉ là mối tình học trò trong trắng, chưa một lần hẹn ước, nhưng cũng kéo dài suốt thời cấp 3, với đủ vui buồn, sướng khổ. Rồi một hôm Chúa kêu gọi tôi từ bỏ tất cả để bước theo Ngài. Trước khi ra đi, tôi kể nàng nghe ý định của mình. Nàng rất đau khổ. Nhưng sau một tháng cầu nguyện và suy tư, nàng đã thưa “xin vâng” theo gương Mẹ Maria, dâng hiến mối tình đầu tươi đẹp cho Chúa. Mấy năm sau, nàng lên xe hoa về nhà chồng. Hai người sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc của nàng ngắn ngủi làm sao! Bảy tháng sau, chồng mất mạng do một tai nạn giao thông thảm khốc tại đèo Prenn, nàng lại cúi đầu cất tiếng “xin vâng”, hiến dâng cho Chúa người chồng yêu thương, gửi xác chàng vào lòng đất lạnh. Sau đó, nàng một mình tần tảo nuôi con. Khi con khôn lớn, tưởng rằng cậu sẽ suốt đời phụng dưỡng mẹ già, ai ngờ Chúa gọi cậu tận hiến đời mình để phục vụ muôn dân. Bà mẹ hết sức đau buồn. Nhưng sau một tháng cầu nguyện và suy tư, bà lại cúi đầu thưa tiếng “xin vâng”. Bà đã bước theo đúng vết chân của Tổ Phụ Abraham, hiến dâng người con duy nhất của mình cho Thiên Chúa. Kính thưa quí ông bà anh chị em, người con đó là vị tân linh mục đang đứng đây. Bà mẹ can đảm đó là bà cố đang ngồi kia. Còn bạn trai của bà hồi học cấp 3 chính là tôi”.
Cả nhà thờ nháo nhào nhìn nhau kinh ngạc. Còn cha mới đi xuống choàng vòng hoa rồi ôm hôn bà cố trong niềm vui và cảm xúc vỡ oà của mọi người.



                                                                                                               tatcalaphuvan_92@yahoo.com.vn

Cha Gioan B. Phạm Quang Long nhận sứ vụ tại Trụ sở Giáo phận Vinh ở Sài Gòn


29.11.2011

GPVO - Cha Gioan B. Phạm Quang Long, cho đến nay là quản xứ Mỹ Dụ, vừa được Đức Giám mục Giáo phận bổ nhiệm làm "giám đốc Trụ sở Giáo phận Vinh" ở Sài Gòn, đồng thời "đặc trách mục vụ di dân tại Miền Nam".
Trong một buổi lễ trang trọng do Đức Giám mục Giáo phận chủ sự cùng với quý Cha đồng tế FX Hoàng Sĩ Hướng (quản hạt Cầu Rầm), Giuse Tiến Lộc (Dòng Chúa Cứu Thế), Phêrô Nguyễn Chí Thiết, Phêrô Lưu Văn Thành (quản xứ Rú Đất), Antôn Trần Văn Niên (quản xứ Phù Long), Đaminh Võ Minh Danh (giáo phận Đà Nẵng), ngoài ra còn có sự tham dự của các nam nữ tu sĩ dòng Mến Thánh Giá Vinh, Thừa Sai Bác Ái Vinh, Dòng Lời Chúa Vinh và đông đảo anh chị em di dân và sinh viên tại Sài Gòn, Cha Gioan B. Phạm Quang Long đã nhận sứ vụ mới tại Trụ sở Giáo phận.

Giảng trong thánh lễ, Đức Cha Phaolô nói: "Cơ sở này là mái nhà chung cho mọi người tín hữu gốc Vinh di cư, cũng như các thành phần của Giáo phận nhà khi có dịp vào công tác ở Sài Gòn. Các nhân viên ở trong Trụ sở này hãy vui lòng tiếp đón họ".

Với Cha Giám đốc mới, Đức Giám mục nhắn nhủ: "Cha hãy dành thời giờ cho việc chăm sóc mục vụ đối với anh chị em di dân tại Miền Nam. Cha có năng quyền như một cha sở tòng nhân để thi hành các bí tích cho anh chị em. Khi có điều gì cần sự miễn chuẩn, cha hãy liên lạc với Toà Giám mục, chúng ta sẽ ưu tiên cho anh chị em di dân theo tinh thần luật lệ vì con người".

Trong lời đáp từ, Cha Giám đốc cám ơn Đức Cha, quí Cha, quí nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân hiện diện trong buổi lễ. Ngỏ lời với những người đồng hương Giáo phận Vinh, ngài nói: "Trưa nay, tôi vừa trải qua những giây phút xúc động khi từ giã bà con giáo dân xứ Mỹ Dụ. Tôi thật sự bất ngờ về sự hiện diện đông đảo của anh chị em. Từ nay, cùng với anh chị em, tôi trở thành một người di dân. Được sai đến vì anh chị em, tôi không quản ngại và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của anh chị em như một thừa tác viên".

Sau thánh lễ, Ban Điều hành Di dân tại Miền Nam đã có buổi gặp gỡ với Đức Cha Phaolô và cha Giám đốc mới, để thảo luận về việc chuẩn bị cho buổi hội ngộ của đồng hương Giáo phận Vinh vào ngày 18/12/2011 tại dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ ở số 57 đường 4, Tam Phú, Thủ Đức.

Đây là một dịp tĩnh tâm Mùa Vọng chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh. Đức Giám mục Giáo phận sẽ có buổi nói chuyện và chủ sự thánh lễ đồng tế. Một số linh mục sẽ đến giúp anh chị em di dân lãnh nhận bí tích giao hoà.

Được biết cha Gioan B. Phạm Quang Long thuộc giáo xứ Hoà Ninh, Quảng Bình, vốn là tu sĩ của dòng Thiên An Huế, theo học triết học và thần học tại Đại Chủng viện Xuân Bích Huế, nhập tịch Giáo phận Vinh năm 2005, lãnh nhận sứ vụ linh mục ngày 8/8/2006 tại Xã Đoài, quản xứ Mỹ Dụ từ tháng 12/2006 đến tháng 11/2011.

Để được chăm sóc mục vụ, anh chị em di dân tại Miền Nam có thể liên lạc với cha Gioan B. Phạm Quang Long tại địa chỉ: 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đakao, quận 1, Tp.HCM, số điện thoại 08-3911-0669. Ngoài ra, tại đây còn có các lớp giáo lý hôn nhân và dự tòng.

Trụ sở Vinh tại SG

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Giới Trẻ Trước Căn Bệnh Vô Cảm



Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi giúp cho con người, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện học hỏi, trau dồi và tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến “bệnh vô cảm”. Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “Phải ai tai nấy”. Lời cha ông ta đã dạy: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của con người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát huy. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác còn có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Đối với những người mắc “bệnh vô cảm” này, chúng ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của cổ nhân:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Vấn đề vô cảm trong xã hội hiện nay đang là thách đố cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. Tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân của “bệnh vô cảm”, chúng ta sẽ thấy tác hại ghê gớm của nó hầu tìm ra phương cách để chống lại căn bệnh quái ác này.

1. Thực trạng vô cảm của giới trẻ

Ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức hơn các thế hệ đi trước, nhiều trường công và trường tư mở ra để đào tạo những con người có tri thức, có đạo đức, hầu phục vụ cho nhân quần xã hội, dẫn đưa đất nước đến một nền văn minh tiên tiến, theo kịp đà tiến bộ của các nước trên thế giới. Nhưng thật đau lòng mỗi khi những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức của giới trẻ được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo hay chúng ta tận mắt chứng kiến những cảnh đau lòng. Chẳng hạn như các bạn nữ sinh đánh nhau, cởi đồ và xé áo bạn mình đang có nguy cơ trở thành một “phong trào” hay là học sinh đánh thầy cô giáo đến nỗi phải nhập viện. Điều đáng lên án là, khi chứng kiến các vụ việc trên, hầu hết các bạn đều dửng dưng, bàng quan như không thấy gì. Thay vì can ngăn, giải thích đúng sai, thì họ lại cổ vũ, ủng hộ hết mình cho những hành động vô đạo đức và thiếu văn hóa đó.

Mới đây, cư dân mạng lại giật mình trước hành vi côn đồ của một nhóm nữ sinh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… với những màn đánh đập, xé áo, cắt tóc. “Người quay lại những hình ảnh đó là một nam sinh. Kèm theo những lời chửi bới của những cô gái hành hung, còn cổ vũ nhiệt tình, hứng khởi của anh chàng này: “Cởi áo đi, cởi áo đi, xé áo đi…!!!” . Hơn nữa, nhiều người cũng ngỡ ngàng vì sự thờ ơ của những thế hệ 8x, 9x. Mặc dầu các bạn có điều kiện nhưng lại không sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Rất nhiều người trẻ, khi thấy những người hành khất thì xua đuổi, dè bỉu. Gặp người bị tai nạn, thay vì dừng lại giúp đỡ nhưng lại bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí có kẻ không những chẳng cứu giúp nạn nhân mà còn lợi dụng cơ hội tìm cách lấy cắp tiền của người bị nạn.

Lại nữa, trong thời gian gần đây, tình trạng tội phạm giết người càng được trẻ hóa. Rất nhiều tội phạm đang ở thế hệ 8x, 9x. Chẳng hạn mới đây, dư luận xôn xao về vụ thảm sát, cướp tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). “Kẻ vô cảm” đã giết ba mạng người, đó là thanh niên Lê Văn Luyện, 17 tuổi. Có người đã nói: “Hành vi phạm tội của Lê Văn Luyện là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất dã man, tàn bạo, vô cảm chưa từng có từ trước tới nay”. Ngoài ra, còn có Hồ Nhật Linh,18 tuổi, ngụ tại Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đâm 95 nhát dao vào thai phụ có bầu 8 tháng tuổi, sau đó vứt xác nạn nhân xuống mương…

Thực trạng của “bệnh vô cảm” này đang diễn biến hết sức phức tạp. Một lần nữa, tiếng chuông báo động về sự vô cảm lại được rung lên, đặc biệt đối với giới trẻ. Ông cha ta đã thấy rõ được những tác hại của nó nên đã tích cực phê phán, lên án những thói xấu chỉ biết vun quén cho riêng mình: “Đèn nhà ai nhà ấy sáng”, hay “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Quả thật, không thể dung thứ cho những hành động vô cảm ấy. Nó đồng nghĩa với việc vứt bỏ truyền thống của dân tộc, cũng là vứt bỏ chính bản thân mình.

2. Nguyên nhân dẫn giới trẻ đến vô cảm

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của giới trẻ, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay, và cách giáo dục nhân bản từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.

2.1 Nguyên nhân bản thân

Do bản thân họ thiếu tình yêu thương, thiếu lòng quảng đại; họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình. Thêm vào đó, do ngoại cảnh tác động: khi một con người bị chính cái xấu hãm hại, khi mà những điều tốt đẹp không xảy đến với bản thân, thì họ sẽ trở nên hận đời và vô cảm trước cuộc đời. Họ không còn lòng tin vào điều tốt, thế nên họ vô cảm trước những điều tốt đẹp trên cuộc đời này. Đối với họ, nhà hàng xóm gặp hoạn nạn, có người thân mắc phải tệ nạn xã hội, họ cũng bàng quan như không hay biết, không hỏi han, cũng chẳng an ủi một vài lời. Trên đường đi, gặp người bị nạn, họ bỏ đi, chẳng thèm quan tâm sống chết ra sao, hoặc có ghé lại thì cũng chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ, giương đôi mắt ếch nhìn chung quanh, không hề giúp đỡ nạn nhân vì họ sợ phải gánh trách nhiệm. Gặp kẻ bất hạnh, tàn tật nằm bên vệ đường, họ chẳng những không thương xót mà còn khinh bỉ, rẻ rúng những con người kém may mắn đó. Quả thật, đó là những hành động đáng lên án.

Theo chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai thuộc Trung tâm Tư vấn Hôn nhân và Gia đình TPHCM, cho biết: “Do tâm lý sống ‘chỉ biết mình’ khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay, căn bệnh vô cảm đã thật sự xâm nhập và ăn sâu trong thế hệ trẻ hiện giờ!” Hơn nữa, sự vô cảm bắt nguồn từ lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ là nguyên nhân khiến người ta cảm thấy cuộc sống nhàm chán, đơn điệu, vô nghĩa. Hậu quả là, những xúc cảm đạo đức bị hạn chế, thậm chí bị triệt tiêu.

2.2 Nguyên nhân từ gia đình

“Gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình mà tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp được”. Đây chính là bài học giáo dục công dân của học sinh cấp II. Thế mà ngày nay, trong nhiều gia đình, cha mẹ rất ít dạy con có sự đồng cảm với người khác, với những người chung quanh. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Triệu Hồng Như thuộc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Hà Nội: “Cách phản ứng, hành vi của giới trẻ một phần là do học hỏi ngoài xã hội và một phần là do ảnh hưởng từ trong gia đình, cũng có khi là do lối sống mà giới trẻ tự tạo nên… Thói quen bó hẹp giao tiếp, chỉ giao lưu với những người ảo trên mạng game online. Những cảnh bạo lực từ đấm đá đến chém giết man rợ, đầy rẫy trong các trò chơi điện tử, trên ti vi, trong truyện tranh; những thú vui giải trí được giới trẻ yêu thích sẽ dẫn tới thờ ơ hay lãnh đạm với những việc xảy ra xung quanh, đó là một hệ quả không tránh khỏi”.

Đúc kết kinh nghiệm giáo dục con cái, ông cha ta đã khuyên: “Dạy con từ thuở còn thơ”, cũng tựa như uốn cây tre, phải uốn từ lúc tre còn non. Nhưng dường như nhiều gia đình ngày nay không coi trọng điều này, không quan tâm đến việc dạy con phải có sự đồng cảm, yêu thương, giúp đỡ và biết tha thứ cho người khác. Bởi lẽ, cha mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, về lối sống, cũng không quan tâm dạy bảo con cái. Hiện nay, có bao nhiêu bậc cha mẹ chịu bỏ thời gian dạy con cái biết cách đối nhân xử thế, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác, dạy con có lòng khoan dung, độ lượng, vị tha và những chuẩn mực giá trị đạo đức mà con người phải sống theo và tôn trọng với tư cách là một con người?

Hơn nữa, nhiều phụ huynh vì cưng chiều con nên đáp ứng tất cả những yêu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện. Thế nhưng, họ lại không dạy con phải biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân, với bạn bè. Một đứa trẻ chỉ biết "nhận" chứ không biết "cho" sẽ nghèo nàn về cảm xúc, vô tâm trước đòi hỏi của tình người, và bàng quan trước nỗi đau của kẻ khác.

2.3 Nguyên nhân từ nhà trường

Nhà trường là nơi đào tạo ra những con người có tài đức, biết quan tâm đến mọi người và tích cực phục vụ cho nhân quần xã hội. Thế mà ngày nay, trong một số trường học, người ta chỉ chú tâm đến việc nhồi nhét tri thức, còn vấn đề đạo đức dường như đang bị bỏ ngỏ, thậm chí có những trường chỉ dạy môn giáo dục công dân cho qua lần chiếu lệ.

Bên cạnh một số thầy cô mẫu mực, nhiệt huyết với việc giáo dục, vẫn còn đó những thầy cô chưa hoàn thiện nhân cách. “Có thầy cô gọi học sinh là mày xưng tao, có thầy cô chêm cả những câu chửi tục vào lời nói của mình, có thầy cô quát mắng học sinh như kiểu dân chợ búa, … Chính các em đã phải thốt lên rằng “giáo viên ăn nói thô lỗ, vô văn hóa như vậy thì trách sao học sinh không bắt chước” . Những hành động đó ít nhiều xâm nhập vào thế giới quan của giới trẻ, dần dà hình thành lối hành xử thô bạo, thiếu tình thương. Sự vô cảm lẽ nào chẳng bắt nguồn từ đó? Thầy cô được xem như cha mẹ thứ hai của học sinh. Nếu họ vô cảm thì sẽ thiếu tình thương dành cho những đứa con của mình, thiếu nhiệt tình và trách nhiệm trong việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Vì “vô cảm” họ cũng sẽ “đào tạo” ra những học trò vô cảm như họ. Như thế, ta phải nói sao về những chủ nhân tương lai của đất nước? Đây chính là một mối họa lớn cho xã hội.

Quả thật, môi trường giáo dục đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Đó thật sự là mối lo ngại sâu sắc đối với ngành giáo dục và cả xã hội. Nguyên nhân của vấn nạn trên thì có nhiều. Nhưng có một nguyên nhân mà khiến người ta day dứt, trăn trở nhiều nhất, đó là căn bệnh vô cảm, nó giảm sút nghiêm trọng tinh thần đấu tranh đang bao trùm ở khắp nơi, với mọi đối tượng.

2.4 Nguyên nhân từ xã hội

Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, với những ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng đặc biệt đến thế hệ trẻ, làm thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp và tư duy, dẫn đến giới trẻ sống vô cảm không quan tâm đến những việc xung quanh. Theo GS Mark Bauerlein (Mỹ), khi càng sử dụng internet thì người ta càng lơ là với những gì diễn ra xung quanh. Khi blog, mạng xã hội xuất hiện, giới trẻ được tự do thể hiện mình. Nhưng một khi tự giam mình quá lâu trong thế giới ảo, một bộ phận giới trẻ sẽ có lối sống bất thường và dẫn tới trầm cảm hay vô cảm,…

Đồng thời, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến đạo đức truyền thống: một mặt, nó làm cho những giá trị truyền thống được phát huy, những giá trị đạo đức mới được hình thành; mặt khác, nó làm nảy sinh tư tưởng ích kỷ, lãng quên trách nhiệm cộng đồng, đề cao cái tôi cá nhân lên trên cái ta cộng đồng, lấy giá trị vật chất làm thước đo cho tất cả. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng: “Dường như đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện đại dẫn đến các bạn trẻ sống vô cảm".

Hơn nữa, căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào văn hóa của xã hội ngày nay. Khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ cho chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân, thì con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại. Bên cạnh đó, do sự gia tăng những bất công xã hội, là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lối sống “phong bì”, người lớn không còn là tấm gương đạo đức cho giới trẻ, khiến đạo đức bị suy giảm.

3. Tác hại của căn bệnh vô cảm

Bệnh vô cảm có những tác hại thật ghê gớm, nó không chỉ làm suy giảm đạo đức của một cá nhân mà còn đẩy đất nước đến bờ tụt hậu, suy thoái.

3.1 Bệnh vô cảm có thể dẫn đến chết người

Một bác sĩ nếu “vô cảm” sẽ không có đủ tình thương đối với con bệnh của mình, sẽ đánh mất đi lương tâm của một thầy thuốc, sẽ quên đi phương châm: “Lương y như từ mẫu”. Chẳng hạn, trước một ca cấp cứu, bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch, nhưng vì gia cảnh nghèo, không có tiền để đóng viện phí hay không có tiền để “bồi dưỡng” cho bác sĩ, thì “bệnh vô cảm” khiến cho bác sĩ ấy chậm trễ, thờ ơ hay không nhiệt tình cấp cứu bệnh nhân, cuối cùng để bệnh nhân chết oan uổng, gây đau khổ cho những người thân của họ. Càng đau đớn và chua xót hơn nếu bệnh nhân kia là cha mẹ, là người cột trụ về kinh tế trong gia đình. Họ phải tất tưởi ra đi, để lại những đứa con thơ dại, cha mẹ già không ai phụng dưỡng trong cảnh cô đơn, già yếu. Mới đây tại Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, chỉ vì sự vô cảm của bác sĩ và các y tá, đã dẫn đến cái chết oan uổng của một em bé chưa kịp chào đời. Chị Hao kể: “Chồng tôi đã bồi dưỡng bác sỹ An một triệu đồng, nhờ cứu cho mẹ tròn con vuông rồi gia đình sẽ “hậu tạ” sau. Thế nhưng, bác sĩ An không mổ ngay cho tôi mà đi vào phòng riêng ngồi xem vô tuyến đến tận 23h40, còn 2 hộ sinh nữ là Vũ Thị Diệu Vân và Trần Hoàng Linh ngồi ở một góc phòng ăn bánh kẹo, nói chuyện, làm việc riêng để mặc cho tôi đau đớn trên bàn sinh. Tôi đau đớn khi biết con mình trong bụng đang chết dần chết mòn mà không thể cứu được. Tuyệt vọng, tôi cầu cứu các y tá đang ở gần đó nói giúp với bất cứ bác sĩ nào cũng được, mổ giúp tôi lấy con ra mà không một ai đứng dậy tìm bác sĩ. Họ vẫn cứ thờ ơ, thản nhiên ăn uống, cười đùa với nhau như không có chuyện gì xảy ra cả” . Còn nói về người giữ sinh mạng của nhiều người như tài xế chẳng hạn, mà mắc “bệnh vô cảm” thì cái chết không chỉ mang đến cho một người. Người tài xế “vô cảm” sẽ coi mạng con người chẳng ra gì, cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường để về trước, sẽ gây hậu quả khôn lường. Một vụ tai nạn giao thông tại Bình Thuận mới đây, đã cướp đi sinh mạng của mười người và rất nhiều người bị thương. Nguyên nhân cũng chỉ vì tài xế “vô cảm”, coi mạng người như cỏ rác.

3.2 Bệnh vô cảm có thể để lại tai họa lớn cho xã hội

Thầy cô giáo được xem là “kỹ sư tâm hồn”, là “cha mẹ thứ hai” của học sinh. Nhưng nếu “vô cảm” sẽ thiếu tình thương dành cho những đứa con của mình, thiếu nhiệt tình trong việc giảng dạy, không có trách nhiệm trong việc giáo dục, hờ hững trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, không quan tâm đến chất lượng giảng dạy, chỉ biết dạy hết giờ là ra về còn kết quả ra sao không quan tâm! Vì “vô cảm” họ sẽ “đào tạo” ra những lớp học trò thiếu trình độ, thậm chí cũng… “vô cảm” như họ. Như thế, các chủ nhân tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Rường cột nước nhà sẽ ra sao, nếu không nói là đã mục nát ngay từ trong trứng nước? Quả thật, đó là một mối họa vô cùng lớn cho xã hội!

3.2 Bệnh vô cảm có thể đưa đất nước đến suy vong

Các cán bộ Nhà nước là “đầy tớ của nhân dân”, hết lòng phục vụ cho công ích, điều hành mọi hoạt động của đất nước. Thế nhưng, họ lại “vô cảm” trước các nguyện vọng chính đáng của người dân, thì họ sẽ không thể nào nhìn thấy và thấu hiểu được những khốn khó trăm bề của dân đen. Thậm chí, lại không giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện về tài sản, đất đai của người dân; trái lại, còn nhũng nhiễu, gây khó dễ để được “chung chi”, hoặc trù giập, dùng vũ lực để chiếm lấy cho một tổ chức nào đó để mình được “phong bì” dằn túi riêng. Tất cả cũng chỉ vì tham lam, ích kỷ mà đánh mất đi cái lương tâm, cái phẩm chất đạo đức, cái tác phong nghiêm túc của một cán bộ “cho dân và vì dân”. Từ đó, nhân dân sẽ không còn tin tưởng vào chính quyền nữa, sẽ mạnh ai nấy sống, sẽ vơ vét cho riêng mình, sẽ sống “vô cảm” như cán bộ, chẳng ai lo cho lợi ích chung của cộng đồng dân tộc, phó mặc cho ngoại xâm xâu xé đất nước, tự do giành đất giành biển của chúng ta. Chính những cán bộ “vô cảm” thiếu trách nhiệm này đã gián tiếp đẩy đất nước đến bờ vực của suy vong.

4. Để giới trẻ bớt vô cảm

“Bệnh vô cảm” không phải là tội ác, nhưng chính nó là con đường dẫn đến tội ác. Hơn nữa, nó còn lây lan trong cộng đồng: một người vô cảm thì mọi người xung quanh sẽ vô cảm theo, và cuối cùng, có thể là cả một xã hội vô cảm. Vô cảm còn ví như căn bệnh “ung thư tâm hồn”. Nói đến căn bệnh thể xác thì người ta sợ nhất là ung thư, còn nói đến căn bệnh tâm hồn thì “vô cảm” cũng đáng sợ không kém. Bởi lẽ, nó có sức công phá ghê gớm trên nhân cách và đạo đức của con người. Từ đó, nó phá hủy toàn bộ nền kinh tế và chính trị của cả một dân tộc. Chính vì thế, từ cá nhân đến gia đình, từ trong nhà trường ra ngoài xã hội, phải chung tay góp sức, tích cực đẩy lùi căn “bệnh vô cảm” này ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

4.1 Về phía bản thân

Mỗi bạn trẻ hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người, biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái, yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình. Ngoài ra, cần phải học hỏi những tấm gương của những người đạo đức, đồng cảm trong xã hội. Chẳng hạn mẫu gương các nữ tu đang phục vụ tại trung tâm Sida giai đoạn cuối - Mai Hòa - Củ Chi. Các nữ tu đã đồng cảm với số phận của những người kém may mắn qua cách phục vụ tận tình giúp đỡ họ. Chính vì thế, có những bệnh nhân đã phải thốt lên rằng: “Ở đây, chúng em thật là hạnh phúc vì có các nữ tu phục vụ chăm sóc tận tình và đồng cảm với số phận của chúng em còn hơn những người ruột thịt trong gia đình, chúng em có chết cũng mãn nguyện”. Hay mẫu gương của chàng sinh viên Hiến thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông TPHCM. Thấy một cô gái nằm sõng soài bên con lươn xa lộ, “quan sát kỹ hơn, Hiến hốt hoảng thấy hàng chục xe tải, xe khách, container cứ vô tư đi ngang qua, không ai thèm đoái hoài đến cô gái. Trong giây phút ấy, Hiến cùng Sơn vội vàng lao ra đường, không cần đắn đo, bế thốc cô gái, máu ướt đẫm chạy thẳng đến bệnh viện” .

Đặc biệt, chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh Đức Giêsu đã dạy chúng ta bài học về sự chia sẻ, sự đồng cảm với người khác. Chúa đã thực hành trước khi dạy chúng ta: Ngài đã biết chia vui trong tiệc cưới Canna, Ngài cũng biết chia buồn với cái chết của Lazarô, của con trai góa phụ thành Naim… Hơn nữa, trong thư gửi tín hữu Rôma thánh Phaolô cũng đã nêu bật về sự đồng cảm với mọi người: “Vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12,14).

4.2 Về phía gia đình

Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con người, từ đó những đứa trẻ học được nhân cách làm người. Vì thế, muốn cho con cái trở nên tốt, gia đình phải là nơi mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Các thế hệ cùng chung sống phải biết quan tâm tới nhau, thì người trẻ mới biết học hỏi, noi gương nếp sống đạo đức. Giáo dục phải cải cách để tăng cường đạo đức, nhân cách cho các em, không chỉ “dạy chữ’ mà nhất là phải “dạy người”. Hơn nữa, phải “Tiên học lễ, hậu học văn”. Theo Tiến sĩ tâm lý giáo dục Đinh Đoàn: “Nếu người lớn có trách nhiệm và quan tâm hơn tới con cái, hành động và cư xử đúng đắn hơn để làm tấm gương cho các em thì sự vô cảm có lẽ đã không lan nhanh và mạnh như thế”.

Nhất là, gia đình phải tích cực, bằng cách quan tâm giáo dục cảm xúc một cách thực tế cho con cái ngay từ nhỏ. “Không chỉ dạy trẻ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người để từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình. Các nhà tâm lý học cũng đưa ra khuyến cáo, gia đình phải thay đổi thói quen dạy con kiểu Á Đông: Chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ độc lập của con. Học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với con cái là việc mà cha mẹ là những người đầu tiên phải làm. Con cái chỉ có thể hiểu được một cách rõ ràng nhất khi được cha mẹ hướng dẫn cụ thể bằng những việc phù hợp. Chính những điều nhỏ nhặt này tạo nền tảng đầu tiên để trẻ bớt nghĩ đến bản thân, mở rộng lòng ra cùng người khác. Và điều quan trọng, người lớn phải tạo cơ hội cho các em thực hiện.”

4. 3 Về phía nhà trường

Môi trường giáo dục ở nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà còn phải quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức và đồng cảm với các bạn trẻ. Một khi nhà trường biết quan tâm đúng mức về giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì kết quả sẽ khả quan hơn. Vấn đề này, chúng ta thấy rõ trong các trường Công giáo và các cơ sở nội trú của các nhà Dòng. Các học sinh, sinh viên khi được giáo dục ở đó, họ không chỉ biết sống lễ phép với mọi người mà còn sống gương mẫu, ngoan ngoãn, và biết quan tâm yêu thương mọi người. Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Đại học Sư phạm TPHCM: “Nhà trường không nên chú tâm vào việc dạy kiến thức mà quên đi việc dạy các em nên người. Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo”.

Mặt khác, nhà trường nên dạy học sinh biết cách ứng xử, biết quan tâm giúp đỡ mọi người và giáo dục kỹ năng sống có chất lượng, thiết thực, sinh động, bằng cách khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám đấu tranh trong mọi học sinh. Chỉ có như thế, cái xấu, cái tiêu cực, cái thô bạo ở môi trường giáo dục, trong học sinh mới hết đất sống. Đây cũng là cơ sở để xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu tình nghĩa, yêu thương nhưng lại mạnh mẽ, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác thường nảy sinh, ẩn nấp dưới nhiều hình, nhiều dángvẻ trong cuộc sống.

4. 4 Về phía xã hội

Xã hội nên quan tâm đến giới trẻ, tạo những cơ hội cho họ, giúp họ sống theo chuẩn mực đạo đức của xã hội, nhất là giúp họ biết quan tâm, yêu thương, hy sinh và biết giúp đỡ mọi người. Tiến sĩ Tâm lý Đinh Phương Duy cho biết: “Giới trẻ ngày nay, không phải là họ không muốn sống cho ra người mà còn muốn sống tốt hơn nữa”. Có người đã nói: “Cơn khát làm một người sống lương thiện, sống đạo đức cháy âm ỉ trong tâm khảm của họ. Chính vì thế, họ đang cần được xã hội quan tâm giúp đỡ, nhất là mở những lớp học về cách ứng xử trong cuộc sống. Đồng thời, họ mong muốn những người có trách nhiệm nên làm gương cho họ”.

Kết luận

Để kết thúc bài viết, xin mượn lời câu ca dao:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn”.

Để nói nên tình cảm của con người với con người, chúng ta không thể đánh đổi bằng những vật chất tầm thường mà chỉ có sự chân thành quan tâm mới có thể duy trì một mối quan hệ bền vững. Trao đi thật nhiều yêu thương, quan tâm và sẻ chia chúng ta sẽ không phải hối hận, vì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ nhận được sự trìu mến ân cần của những người khác. Hãy “tiêu diệt” căn bệnh vô cảm một cách triệt để, hãy trao yêu thương và nhận thật nhiều yêu thương.

Hơn nữa, một xã hội vô cảm là một xã hội chết! Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, chắc hẳn chẳng ai muốn như vậy. Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Con người sống mà không có tình thương thì chẳng khác chi con vật, chẳng khác chi cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô nghĩa, và sẽ chết dần mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Thế nên, chúng ta hãy tích cực chống lại “bệnh vô cảm”, phải sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt là phải mở lòng mình ra với cuộc sống. Chúng ta nên có một “trái tim nóng” để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương, biết rung cảm với mọi người. Hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”; phải yêu thương, kính trọng và sống hết lòng với mọi người chung quanh; phải biết: “Vui cùng người vui, khóc cùng kẻ khóc (Rm 12,14). Đó là liều thuốc đặc hiệu để chữa “bệnh vô cảm”. Như vậy, giới trẻ mới là chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam giàu đẹp, hiện đại và văn minh; xứng đáng với nòi giống “con rồng cháu tiên” của một dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến.

Tu Sĩ Lôrensô: Vũ Văn Trình MF

Các bài cùng tác giá, các bạn có thể vào google gõ các tựa đề của các bài sau

1 Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay

2 Vấn đề sống thử của giới trẻ ngày nay

3 Vấn đề phá thai của giới trẻ ngày nay

4 Toàn cầu hóa cơ hội và thách thức cho giới trẻ ngày nay

5 Giới trẻ khoa học và đức tin

6 Đức tin trong giới trẻ ngày nay

7 Tứ đức trong thời nay

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

"con gét tiền"

Thư gửi mẹ.




Mẹ thân yêu của con !



“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .



Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.



Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.



Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.



Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.



Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.



Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …



Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …



Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …



Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.



Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.



Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.



Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.



Đứa con ngốc nghếch của mẹ,



Nguyễn Trung Hiếu
 
 
 
                                tatcalaphuvan_92@yahoo.com.vn

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

NỘI DUNG SINH HOẠT THÁNG 11

Thân chào tất cả mọi người.
Vào ngày 13/11/2011, nhóm chúng ta sẽ có buổi công tác từ thiện tại trung tâm bảo trở trẻ em khuyết tật Thiên Phước. Địa chỉ của trung tâm là 456, khu phố 1, phường An Phú Đông, Quận 12.
Mọi người đi xe buýt 33,19 hướng từ dưới Suối Tiên quâ cầu vượt Bình Phước gặp ngã tư thứ nhất thì xin cho xuống ở đó (chúng ta tập trung ở đây lúc 7h30). Sẽ có người đón các bạn. Chúng ta phải có mặt ở trung tâm lúc 8h nên mọi người cố gắng đi sớm. Ai có thể tham gia thì báo lại cho Học biết nhé.
Mong mọi người tham gia đầy đủ và đúng giờ. Chúc mọi người luôn vui vẻ, hạnh phúc và bình an.
Thân mến.
Nguyễn Đại Học.


SĐT: 01224713428.
Mail: daihocptit@yahoo.com.vn