Quyết bào mòn sách vở - để lập trình tương lai

++ CLOISTERER, STUDENT AND YOUTH PHU QUY GROUPS ++ IN SAI GON ++ WE LOOK FORWARD TO THE CONTRIBUTION AND SHARE YOU ALL ! ++

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Chầu Lượt Giáo Xứ

Chúa nhật 21/10/2012, giáo xứ Cồn Cả đã long trọng mừng lễ khai mạc Năm Đức Tin trong tâm tình tạ ơn về hồng ân đức tin.
Trước thánh lễ, Ban giáo lý hạt Phủ Quỳ đã công bố kết quả mùa học giáo lý vừa qua, đồng thời trao thưởng cho các giáo xứ và các học viên trong giáo hạt đạt thành tích cao. Dù bước đầu còn nhiều khó khăn đối với một giáo hạt non trẻ, các giáo xứ tại Phủ Quỳ đã nỗ lực và liên đới trong sứ vụ giáo dục, thăng tiến đức tin cho thế hệ trẻ.
Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận, đã chia sẻ niềm vui về sự trưởng thành trong đời sống đức tin của cộng đồng kitô hữu tại miền sơn cước Phủ Quỳ, ân cần khích lệ và gợi ý việc cập nhật hóa phương pháp dạy giáo lý, tập huấn giáo lý viên tại giáo hạt này. Đặc biệt, Vị Chủ chăn giáo phận đã trao phần quà thưởng của riêng ngài cho các giáo xứ và học viên đã đạt giải giáo lý.
Chủ sự và giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô đã trình bày những nét chính để sống Năm Đức Tin cách cụ thể, hiệu quả theo các điểm gợi mở mà Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đang nhóm họp tại Rôma về “Tân Phúc Âm hóa” và Thư mục vụ Năm Đức Tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam:
“Chúng ta cần nhìn lại, kiểm điểm lại cuộc sống, hình thức giữ đạo trong Năm Đức Tin, cố gắng đổi mới phương pháp rao truyền , ngõ hầu đạo có thể đến với con người và xã hội hôm nay”
“Lời Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn bất biến, thiên thu vạn đại. Cái mới nói đây đúng hơn ám chỉ lòng nhiệt thành của các tín hữu trong hăng say dấn thân sống và loan báo Lời Chúa, cũng như trong việc sử dụng phương pháp, ngôn ngữ và cách thế diễn tả Tin Mừng thích hợp với nhu cầu thời đại và con người hôm nay”
“Đức tin phải thể hiện trong cuộc sống, một cuộc sống phù hợp với nội dung tuyên xưng, và có khả năng làm chứng cho mọi người về vẻ đẹp, cái hay, cái tốt, về nhân ái và tâm linh của đạo Chúa”.
Quan tâm tới tương lai của giới trẻ tại Cồn Cả và Phủ Quỳ nói chung, Đức Giám mục Phaolô kêu mời cộng đoàn “phải làm sao giúp các em hiểu đạo và sống đạo, không chỉ tại giáo xứ Cồn Cả, giáo hạt Phủ quỳ, mà làm sao để các em thích nghi trong những môi trường rất khác biệt”.
Giáo xứ Cồn Cả nằm trên địa bàn xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1919, Cồn Cả được tách ra từ xứ mẹ Thuận Nghĩa và chính thức trở thành giáo xứ. Là sở hạt của giáo hạt Phủ Quỳ, hiện xứ đạo này có trên 4200 giáo dân, do linh mục Phêrô Hoàng Biên Cương quản nhiệm.
J.B Quốc Tuấn
 
Nguồn : giaophanvinh.net

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Người Công Giáo phải có thái độ nào đối với Tiền Bạc

Bài giảng Ngày Chúa Nhật Thường niên XXVIII B
Anh Chị Em thân mến,
Trong bài Tin Mừng Ngày Chúa Nhật Thường niên XXVIII B hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự nguy hiểm của tiền bạc khi khẳng định rằng người có tiền bạc thì khó lên thiên đàng: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! " (Mc 10,23).
Thấy các môn đệ sững sốt vì lời quả quyết này, Chúa Giêsu lại nhấn mạnh tiếp: “ "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." (Mc 10,24-25). Nghe Chúa Giêsu nói mạnh hai lần như vậy về người giàu có, các môn đệ cho rằng không ai có thể được cứu rỗi vì ai cũng cần có tiền bạc mới sống được. Và lúc này Chúa Giêsu nhìn thẳng vào mặt các môn đệ và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được" (Mc 10,27).
Cộng đoàn phụng vụ chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về đề tài: Người Công Giáo phải có thái độ nào đối với tiền bạc.

+++

Chúa Giêsu đối với tiền bạc thế nào?

Chúng ta biết Chúa Giêsu sinh và
sống trong một gia đình nghèo khó.

Khi người ta nghèo, người ta dễ lo âu về những gì phải ăn, phải mặc, phải ở.

Chúa Giêsu không phải là một con người vô tư, thiển cận, chỉ biết sống cho qua ngày đọan tháng, nhưng ngài là một con người rất thực tế và khôn ngoan. Thế mà lạ lùng thay, dù sống khó nghèo, nhưng ngài vẫn không băn khoăn lo lắng bao nhiêu về những vấn đề vật chất, của cải. Để chuẩn bị cho một cơ sở vĩ đại là Giáo Hội mà hiện nay vẫn còn vững mạnh, Chúa Giêsu không quan tâm gì đến phương diện vật chất. Trong nhóm mười hai môn đệ theo ngài, tuy ngài có đặt một người làm quản lý giữ túi tiền, nhưng Phúc Âm không nói gì đến một kế họach kinh doanh nào cả. Của dâng cúng do bà con hay ân nhân tặng cho, làm thế nào mà đài thọ đủ cho đời sống truyền giáo của Chúa Giêsu và các môn đệ. Thế mà khi đang còn sống cũng như lúc đã về trời, Chúa Giêsu vẫn để các tông đồ tiếp tục công trình cứu chuộc của mình với hai bàn tay trắng.

Không những sống khó nghèo và dạy sống khó nghèo, Chúa Giêsu đưa ra nhiều lời chống đối tiền bạc và dạy ta xa lánh tiền bạc. Khi nói đến của cải trần gian, ngài khuyên đừng nên tích trữ những đồ mối mọt đó, nhưng hãy tìm cách tích trữ của cải trên trời, nơi mối mọt và trộm cắp không làm hại được (x. Mt 6,19-20).

Đối với Chúa Giêsu, tiền bạc và nước trời, tiền bạc và Thiên Chúa, là hai đối thủ không đội trời chung, vì thế, ngài nói rõ lập trường dứt khóat đối với tiền bạc: Không ai có thể làm tôi hai chủ, không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm to toi tiền của được (x. Mt 6,24).

Khi người thanh niên giàu có từ chối lời ngài mời gọi, ngài phóng ra một câu làm run sợ mọi người: “Kẻ giàu có thì khó vào nước trời. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước trời” (Mc 10,25).

Chúa Giêsu long trọng tuyên bố: “Được lời lãi cả thế gian nầy mà thiệt mất linh hồn, có được ích gì!” (Mt 16,26). Và ngài chúc phúc cho những ai không chạy theo tiền bạc: “Phúc cho những ai có lòng nghèo khó vì Nước Trời là của họ!” (Mt 5,3).

Vì sao Chúa Giêsu lại lên án tiền bạc như thế?

Vì sứ mạng của Chúa Giêsu Cứu Thế là cứu vớt trần gian khỏi sa đọa tội lỗi, là cứu sống loài người cho khỏi chết đời đời; mà một trong những thế lực đen tối và nguy hiểm nhất đang làm cho con người phải hư mất đời đời, là sự ham mê tiền bạc của cải vật chất ở đời nầy.

Khi ham mê chạy theo tiền bạc, chúng ta cho tiền bạc là tất cả, chúng ta xem tiền bạc là chúa tể của mình, chúng ta loại Chúa ra khỏi lòng mình, chúng ta đem luật lệ của tiền bạc ra thay thế luật lệ của Chúa, chúng ta tự do bóp méo lương tâm của mình, chúng ta thả cửa chà đạp luân lý.

Sa đọa và tội lỗi đầy tràn trên mặt đất nầy vì do lòng ham mê tiền bạc mà ra.

Chúng ta hãy kể ra: nào là bỏ đạo, chống đạo để được hưởng đôi chút lợi lộc vật chất; nào là lơ đạo, bê trễ, biếng nhác để có thời giờ mà làm ăn kiếm lợi; nào là sống gian dối để buôn gian bán lận hầu phỉnh gạt tiền bạc của kẻ khác; nào là bất công, bóp chẹt anh em, người đi ở, người làm thuê; nào là bất trung, không chịu giữ lời hứa, không chịu thi hành khế ước; nào là tung tiền ra để sống dâm ô, ngoại tình, sa đọa xác thịt, say sưa rượu chè, cờ bạc bê bết; nào là kiêu ngạo, cho mình có tiền có của thì phải làm chức cao, phải có quyền trọng, phải được mọi người kính nể, không ai được phê bình, sửa sai; nào là ích kỷ, không đại độ giúp đỡ các công việc từ thiện bác ái; nào là sống hưởng thụ trong nhà cao cửa rộng, đóng cửa gài then, không lo gì những kẻ sống khổ cực xung quanh mình...

Tiền bạc là cội rễ của mọi tội lỗi.

Tiền bạc cung cấp thức ăn cho đủ mọi tính xấu của con người. Tiền bạc phá tan nhân nghĩa, phá tan gia đạo. Tiền bạc bán rẻ lương tâm, làm cho lương tâm ra đen tối.

Đối với Chúa, tiền bạc dễ làm ngăn trở chúng ta đến với Chúa nếu chúng ta chưa biết Chúa; nếu chúng ta đã biết Chúa, thì tiền bạc dễ làm chúng ta xa lìa Chúa. Khi tiền bạc ngự trị trong lòng chúng ta, thì lòng tin cậy mến Chúa của chúng ta cũng không còn nữa.

Nhưng chúng ta phải biết rằng tự nó, tiền bạc không phải là xấu.

Tiền bạc chỉ xấu khi chúng ta lạm dụng nó, khi chúng ta dùng nó không nên, như lời thánh Bênađô nhận xét: “Của cải thế trần nầy đè nặng chúng ta nếu chúng ta có chúng, làm dơ bẩn chúng ta nếu chúng ta yêu chúng, dày vò chúng ta nếu chúng ta mất chúng”.

Trong Cựu Ước, có những vị thánh rất giàu, như thánh Abraham, thánh Gióp, vua thánh Đavít. Trong Tân Ước, ngay từ đầu Phúc Âm, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu tiếp rước Ba Vua giàu sang.

Nếu biết dùng tiền bạc một cách đẹp lòng Chúa, người giàu dễ thi hành nhân đức trên hết của các nhân đức, đó là đức bác ái yêu thương người ta. Họ cũng dễ dàng thực hiện được nhiều công cuộc lớn lao để làm sáng danh Chúa, như đóng góp tiền bạc vào việc xây cất nhà thờ, nhà thương, trường học. Và như vậy, người giàu có thể được Chúa thưởng nhiều công nghiệp hơn, vì họ biết hy sinh nhiều tiền của cho Chúa để làm sáng danh Chúa. Vấn đề là đừng chạy theo tiền bạc mà bỏ Chúa, đừng thờ tiền bạc như chúa của mình.

Thái độ của người công giáo chúng ta đối với tiền bạc

Tiền bạc chỉ là phương tiện Chúa cho chúng ta dùng để lo việc cứu rỗi linh hồn mình và cứu rỗi linh hồn kẻ khác.

Đối với tiền bạc, chúng ta hãy nghe lời Chúa Giêsu khuyên dạy hãy dùng của cải đời này mà mua lấy nước thiên đàng đời sau, khi ngài nói về cái chết khốn nạn của người phú hộ giàu có kia: ”Ấy, kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc 12,21).

Amen.
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang


Đức Thánh Cha khai mạc Năm Đức Tin

11:08:53 PM VATICAN. Sáng ngày 11-10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ cùng với 400 Hồng Y và GM thế giới, để khai mạc Năm Đức Tin.
Opening-of-the-Year-of-the-Faith-1.jpg

Buổi lễ cũng là dịp kỷ niệm đúng 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2, và 20 năm công bố Sách Giáo Lý Công Giáo.

Trong số 400 vị đồng tế với ĐTC có 80 Hồng y, 15 nghị phụ đã từng tham dự Công Đồng Vatican 2 (trong số 70 vị còn sống), 8 vị Thượng phụ và thủ lãnh của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 191 TGM và GM, ngoài ra có 104 vị Chủ tịch HĐGM trên thế giới. Hiện diện tại buổi lễ với chỗ danh dự trên lễ đài đặc biệt có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople và cũng là vị thủ lãnh danh dự chung của toàn Chính Thống giáo; tiếp đến là Đức Giáo Chủ Anh giáo, Rowan Williams, TGM Canterbury. Ngoài ra có hơn 20 ngàn tín hữu, trong đó có đông đảo các LM và tu sĩ, đặc biệt là sinh viên nam nữ của nhiều Đại học Giáo Hoàng ở Roma.

Cảnh tượng 400 vị GM đồng tế đi rước từ giữa quảng trường tiến lên lễ đài gợi lại hình ảnh cách đây nửa thế kỷ hàng ngàn nghị phụ cũng đi rước như thế tiến vào Đền thờ để cử hành thánh lễ khai mạc Công Đồng do Đức Gioan 23 chủ sự.

Một nghi thức khác nhắc lại Công Đồng, đó là cuộc rước Sách Thánh đặt lên ngai cạnh bàn thờ. Ngai giá sách này cũng đã được dùng trong Công Đồng, được đặt tại trung tâm Đền thờ trong khóa họp, để nói lên sự kiện chính Lời Chúa chủ tọa và hướng dẫn Công Đồng.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã gợi lại biến cố khai mạc Công đồng chung Vatican 2 và ảnh hưởng của Công Đồng trên Giáo Hội, đồng thời cũng liên kết biến cố này với Năm Đức Tin mà ngài ấn định từ ngày 11-10 hôm qua, đến chúa nhật 24-11 năm tới. Ngài nói:

”Năm Đức Tin mà chúng ta khai mạc hôm nay gắn liền với toàn thể hành trình của Giáo Hội trong năm 50 năm qua, từ Công Đồng, qua Giáo Huấn của vị Tôi Tớ Chúa Đức Phaolô 6, Người đã ấn định Năm Đức Tin vào năm 1967, cho đến Đại Năm Thánh 2000, qua đó Chân Phước Gioan PHaolô 2 đã tái đề nghị với toàn thể nhân loại Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi..

”Công Đồng Vatican 2 đã không muốn đặt đề tài đức tin trong một văn kiện chuyên biệt. Nhưng Công Đồng đã hoàn toàn được linh hoạt nhờ ý thức và ước muốn có thể nói là phải tái chìm đắm trong mầu nhiệm Kitô để có thể tái đề nghị hữu hiệu cho con người ngày nay. Về điểm này Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô 6 đã nói như sau 2 năm sau khi bế mạc Công Đồng: ”Tuy Công Đồng không đích thị bàn về đức tin, nhưng Công Đồng nói về đức tin trong mỗi trang, nhìn nhận đặc tính chủ yếu và siêu nhiên của đức tin, giả thiết đức tin phải toàn vẹn và mạnh mẽ, và kiến tạo các đạo lý của mình trên đức tin. Chỉ cần nhắc lại vài lời khẳng định của Công Đồng (...) để thấy rõ tầm quan trọng thiết yếu mà Công Đồng, phù hợp với truyền thống đạo lý của Giáo Hội, dành cho đức tin, đức tin chân chính, có nguồn mạch là Chúa Kitô và qua trung gian của Huấn quyền Hội Thánh” (Giáo lý buổi tiếp kiến chung ngày 8-3-1967).

ĐTC Biển Đức cũng nhắc lại cảm nghiệm bản thân của ngài: ”trong Công Đồng có một sự căng thẳng cảm động đối với nghĩa vụ chung là làm cho chân lý và vẻ đẹp của đức tin được rạng ngời trong thời đại chúng ta ngày nay, không hy sinh đức tin cho những đòi hỏi của hiện tại và cũng không gắn chặt đức tin với quá khứ: trong đức tin có vang dội hiện tại vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng vượt lên trên thời gian và chỉ có thể được chúng ta đón nhận trong hiện tại không thể lập lại. Vì thế, tôi thấy rằng điều quan trọng nhất, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa như hiện nay, cần phải khơi dậy trong toàn thể Giáo Hội sự căng thẳng tích cực ấy, sự khao khát nồng nhiệt tái loan báo Chúa Kitô cho con người ngày nay.”

ĐTC nhận xét rằng: ”Nhưng để đà thúc đẩy nội tâm này hướng đến sự tái truyền giảng Tin Mừng không phải chỉ là lý tưởng và không lẫn lộn, cần làm sao để sự thúc đẩy ấy dựa vào một nền tảng cụ thể và chính xác và nền tảng này chính là những văn kiện của Công Đồng Vatican 2, trong đó nó được biểu lộ. Vì thế, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết phải trở về với văn bản của Công Đồng - để tìm ra tinh thần đích thực trong đó, - và tôi đã lập lại rằng gia sản đích thực của Công Đồng chung Vatican 2 là ở trong các văn kiện. Sự tham chiếu các văn kiện Công Đồng giúp tránh được những thái cực hoài tưởng lỗi thời hoặc thái độ chạy về đàng trước, đồng thời cũng giúp lãnh hội sự mới mẻ trong sự tiếp tục. Công Đồng không tạo ra điều gì mới về đức tin, cũng không muốn thay thế những gì cổ kính. Đúng hơn, Công Đồng quan tâm làm sao để cũng đức tin ấy tiếp tục được sống trong thời nay, tiếp tục là một đức tin sinh động trong một trong một thế giới đang biến chuyển.

”Nếu chúng ta tiến theo hướng đi đích thực mà Chân phước Gioan 23 muốn đề ra cho Công Đồng chung Vatican 2, chúng ta có thể thực hiện hướng đi đó trong Năm Đức Tin này, trong hành trình duy nhất của Giáo Hội muốn tiếp tục đào sâu hành trang đức tin mà Chúa Kitô đã ủy thác. Các nghị phụ Công Đồng muốn tái trình bày đức tin một cách hữu hiệu; và sở dĩ các vị cởi mở đối thoại trong tin tưởng với thế giới hiện đại là vì các vị chắn chắn về đức tin của mình, về đá tảng vững chắc trên đó họ dựa vào. Trái lại, trong những năm sau đó, nhiều người đã đón nhận não trạng thịnh hành mà không phân định, đặt lại vấn đề chính những nền tảng của kho tàng đức tin mà rất tiếc là họ không còn cảm thấy là của họ trong chân lý của họ.

”Sở dĩ hôm nay Giáo Hội đề nghị một Năm Đức Tin mới và tái truyền giảng Tin Mừng, không phải để cử hành một kỷ niệm, nhưng vì Giáo Hội đang cần Năm Đức Tin hơn cả cách đây 50 năm! Và câu trả lời cần đáp lại nhu cầu ấy cũng là câu trả lời mà các vị Giáo Hoàng và các nghị phụ mong muốn và được chứa đựng trong các văn kiện Công Đồng. Cả sáng kiến thành lập một Hội đồng Tòa Thánh thăng tiến việc tái truyền giảng Tin mừng cũng ở trong viễn tượng ấy. Tôi đặc biệt cám ơn Hội đồng này vì sự dấn thân đặc biệt cho Năm Đức Tin. Đâu là ý nghĩa một cuộc sống, một thế giới không có Thiên Chúa, thời Công Đồng người ta đã có thể biết từ một vài trang bi thảm của lịch sử, nhưng giờ đây rất tiếc là chúng ta thấy nó xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta. Đó là một sự trống rỗng đang lan tràn. Nhưng chính từ kinh nghiệm về sa mạc, từ sự trống rỗng ấy, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đức tin, tầm quan trọng sinh tử của đức tin đối với chúng ta. Trong sa mạc người ta tái khám phá giá trị của những gì là thiết yếu để sống; cũng thế trong thế giới ngày này có vô số những dấu chỉ, thường được diễn tả trong một hình thức mặc nhiên hoặc tiêu cực, về sự khao thát Thiên Chúa, về ý nghĩa tối hậu của cuộc sống. Và trong sa mạc, đặc biệt cần những người có đức tin, qua chính cuộc sống của họ, chỉ cho chúng ta con đường về Đất Hứa và giữ vững niềm hy vọng. Đức tin được sống thực mở rộng tâm hồn cho Ơn Thánh Chúa, là Đấng giải thoát khỏi thái độ bi quan. Ngày nay hơn bao giờ hết, rao giảng Tin Mừng có nghĩa là làm chứng một cuộc sống mới, được Thiên Chúa biến đổi, và chỉ đường.

“Bài đọc thứ I trích từ sách Huấn Ca nói với chúng ta về sự khôn ngoan của người du hành (Xc Hc 34,9-13): hành trình là biểu tượng cuộc sống và người lữ hành khôn ngoan là người đã học nghệ thuật sống và có thể chia sẻ với anh chị em mình - như vẫn xảy ra với các tín hữu hành hương theo con đường Santiago de Compostela, hoặc trên những con đường khác, không phải tình cờ mà các cuộc hành hương này tái thịnh hành trong những năm gần đây. Làm sao mà bao nhiêu người ngày nay cảm thấy cần phải đi hành hương theo những con đường ấy? Phải chăng tại đó họ tìm được, hoặc ít là trực giác được ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trần thế? Đó cũng là cách thức chúng ta có thể áp dụng cho Năm Đức Tin: đó là một cuộc lữ hành trong sa mạc của thế giới ngày nay, trong đó ta chỉ mang theo mình những gì là thiết yếu: không gậy, không bao bị, không bánh và không tiền bạc, không mang theo hai áo dài, như Chúa nói với các Tông Đồ khi sai họ đi giảng đạo (Lc 9,3), như Tin Mừng và đức tin của Giáo Hội, mà các Văn kiện Công Đồng Vatican 2 diễn tả một cách rạng ngời, cũng như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo công bố cách đây 20 năm diễn tả.

Và ĐTC kết luận rằng ngày 11-10-1962 là lễ kính Đức Maria Chí Thánh Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta phó thác cho Mẹ Năm Đức Tin, như tôi đã làm cách đây một tuần khi đến hành hương tại Loreto. Xin Đức Trinh Nữ Maria luôn chiếu sáng như ngôi sao trên con đường tái truyền giảng Tin Mừng. Ước gì Mẹ giúp chúng ta thực hành lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô: ”Hãy để cho Lời Chúa Kitô ngự trị nơi anh chị em trong sự phong phú của Lời. Với mọi khôn ngoan anh chị em hãy dạy dỗ và nhắn nhủ nhau.. Và bất kỳ anh chị em làm hãy trong lời nói và công việc, tất cả hãy xảy ra nhân danh Chúa Giêsu, nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,16-17)

Đc Thượng Phụ Bartolomaios

Cuối thánh lễ, Đức Thượng Phụ Bartolomaios đã lên tiếng phát biểu. Ngài nhắc đến những ảnh hưởng tích cực của Công đồng chung Vatican 2 về đại kết Kitô, và gợi lại kinh nghiệm bản thân của ngài về Công Đồng, khi còn là một sinh viên trẻ học tại Giáo Hoàng Học Viện Đông phương ở Roma, và ngài cũng đích thân tham dự vài khóa họp đặc biệt của Công Đồng. Đức Thượng Phụ nói: ”Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt các GM cảm nghiệm với một ý thức mới về giá trị của truyền thống và đức tin ”được thông truyền cho các thánh một lần cho tất cả ” (Giuda 1,3). Đó là một thời kỳ đầy triển vọng, nhiều hy vọng ở bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội Công Giáo.

Đức Thượng Phụ nhắc đến những tiến bộ cụ thể trong việc đối thoại thần học giữa Công Giáo và Công Giáo, và bao nhiêu thành quả khác của Công Đồng, và ngài nói đến nỗ lực chung mà Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống có thể thực hiện được.

Ngài nói với ĐGH: ”Hiền Huynh quí mến, sự hiện diện của chúng ta ở đây có nghĩa và đánh dấu sự dấn thân chung của chúng ta cùng làm chứng cho sứ điệp cứu độ và chữa lãnh cho anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta: những ngừơi nghèo khổ, bị áp bức, bị gạt ra ngoài lề thế giới được Thiên Chúa tạo dựng. Chúng ta hãy bắt đầu những kinh nguyện cho hòa bình và an sinh của anh chị em Kitô chúng ta đang sống tại Trung Đông. Trong cái lò bạo lực hiện nay, sự phân cách và chia rẽ đang gia tăng giữa các dân nước, ước gì tình thương và ước muốn hòa hợp mà chúng ta đang tuyên bố ở đây, cũng như sự cảm thông và chúng ta tìm kiếm bằng đối thoại và tôn trọng lẫn nhau, trở thành mẫu mực cho thế giới chúng ta. Ước gì nhân loại có thể giơ tay ra cho người khác, và chúng ta có thể cùng nhau làm việc để khắc phục đau khổ của các dân tộc khắp nơi, đặc biệt là nơi họ đang chịu đau khổ vì đói khát, thiên tai, bệnh tật và chiến tranh, mà rốt cục chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả chúng ta”.

Trao sứ đip Công Đồng

Sau khi ban phép lành kết thúc, ĐTC đã diễn lại một cử chỉ đã được thực hiện khi bế mạc Công Đồng chung Vatican 2: Đức Phaolô 6 đã trao 7 Sứ điệp gửi Dân Chúa.

ĐTC Biển Đức 16 cũng trao 7 Sứ điệp ấy cho các đại diện của cộng đồng nhân loại: vị Niên trưởng và Phó niên trưởng đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh và 5 đại sứ năm châu lên nhận Sứ điệp, đại diện cho các chính phủ. Tiếp đến là đại diện của giới khoa học và trí thức, nghệ sĩ, các ký giả, phụ nữ, công nhân, di dân, giới trẻ, và cả một người tàn tật ngồi trên xe lăn nữa.
 
Opening-of-the-Year-of-the-Faith-6.jpg

Opening-of-the-Year-of-the-Faith-9.jpg

Opening-of-the-Year-of-the-Faith-3.jpg

Opening-of-the-Year-of-the-Faith-5.jpg

Opening-of-the-Year-of-the-Faith-2.jpg

Opening-of-the-Year-of-the-Faith-4.jpg

Opening-of-the-Year-of-the-Faith-7.jpg

Opening-of-the-Year-of-the-Faith-8.jpg

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 11-10-2012)

Thư mục vụ của Đức Giám mục Giáo phận về Năm Đức Tin



Xã Đoài, ngày 1-10-2012


Số 10/12 TMV - TGM


Thư mục vụ về Năm Đức Tin


Kính gửi quý cha, quý chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em,

1. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ khai mạc Năm Đức Tin vào ngày 11 tháng 10 năm 2012 và bế mạc vào ngày 24 tháng 11 năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mở Công đồng chung Vaticanô II và 20 năm công bố sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo.

Đây là một cơ hội thuận lợi để chúng ta đào sâu ý nghĩa Đức Tin, cố gắng sống niềm tin trong đời thường và tìm những cách thế mới để biểu lộ niềm tin đó trong thời đại mới. Đức Thánh Cha ước mong rằng “năm nay sẽ khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức tin viên mãn, với một xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng”[1].

Trong định hướng đó và theo sự hướng dẫn của Bộ Giáo lý Đức tin, mọi thành phần Dân Chúa tại giáo phận Vinh được mời gọi học hỏi Đức Tin và “dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa để tái khám phá niềm vui làm Kitô hữu và tìm lại niềm hăng say thông truyền Đức Tin” [2] cho đồng bào chúng ta.

I. Tìm hiểu và học hỏi sâu hơn kho tàng Đức Tin

2. Đức Tin vừa là hồng ân của Thiên Chúa (x. Mt 16,17) vừa là hành động tự do của con người để đáp trả hồng ân cao quý đó (x. GLCG số 153). Đức tin mở đường cho ta hiểu biết đúng về ý nghĩa cuộc đời mình, về thế giới và về con người. “Cánh cửa Đức Tin dẫn chúng ta vào đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, đồng thời mở ra con đường bước vào Giáo Hội (…). Chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa đó khi Lời Chúa được loan báo và tâm hồn chúng ta chấp nhận để được ân sủng biến đổi. Bước qua cánh cửa đó sẽ kéo theo hành trình dấn thân trong suốt cuộc đời”(Tự Sắc Porta Fidei, số 1).

Quả thế, để có một Đức Tin sống động, chúng ta cần sự trợ giúp của ân sủng và tác động của Chúa Thánh Thần (x. Cv 16,14). Nhưng đồng thời chúng ta phải không ngừng khát khao tìm kiếm và học hỏi những chân lý do Thiên Chúa mạc khải trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Giáo Hội không bao giờ sợ chứng minh rằng Đức Tin không mâu thuẫn với lý trí và khoa học chân chính. Bản thân lý trí con người vốn đòi hỏi về điều có giá trị vững bền và trường cửu. Thánh Augustinô, một người không ngừng tìm kiếm chân lý đức tin, đã tóm tắt tương quan giữa Đức Tin và lý trí trong công thức: “Tin để hiểu và hiểu để tin” hay “nhờ tin tưởng mà được củng cố[3]. Người Á Đông chúng ta có một cách diễn tả tương tự khi nói: “Vô tri bất mộ - không biết thì không yêu mến”. Đúng thế, tin giúp ta hiểu biết và ngược lại hiểu biết giúp ta tin và yêu mến Thiên Chúa. Đức Tin của chúng ta cần phải được nuôi dưỡng và phát triển nhờ những cố gắng học hỏi và tìm kiếm liên lỉ của bản thân.

3. Chính vì thế, trong Năm Đức Tin, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận được mời gọi chăm chú cử hành Đức Tin trong phụng vụ, nhất là Bí tích Thánh Thể. Tôi mời gọi tất cả các linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân chăm chú học hỏi các văn kiện của Công đồng Vatican II và Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Đây là hai nguồn tài liệu quan trọng, phong phú và chính thống của Giáo Hội như chiếc la bàn đáng tin cậy cho việc thực hiện cuộc canh tân đời sống kitô hữu trong giáo phận chúng ta.

Các giáo xứ cần tổ chức những buổi học hỏi Giáo lý Hội Thánh Công giáo và phổ biến tài liệu quý báu này cho mọi người, đặc biệt cho giới trẻ và cho những ai đang đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời, để họ nhận ra vẻ đẹp của Đức Tin Kitô giáo.

Trong Năm Đức Tin, giáo phận sẽ ưu tiên nâng cao trình độ của các giáo lý viên. Các khóa tập huấn cho giáo lý viên đã bắt đầu sẽ được tiếp nối và kiện toàn, với nhân sự và quyết tâm mới. Rất mong các giáo hạt và các giáo xứ tích cực cộng tác với Ban Giáo lý và Đức tin của giáo phận để hoàn thành công tác này.

II. Thực hành và loan báo Đức Tin

4. Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội tốt để sống và biểu lộ niềm tin qua việc thực thi bái ái - xã hội. Bởi vì, “Đức Tin không có Đức Mến sẽ chẳng sinh hoa kết trái, còn Đức Mến không có Đức Tin sẽ chỉ là một tình cảm luôn phó mặc cho ngờ vực. Đức Tin và Đức Mến cần hỗ tương nhau, đến độ cái này sẽ giúp cái kia thực hiện con đường của mình” (Tự Sắc Porta Fidei, số 14). Chính Đức Tin được năng động hóa bởi đức ái sẽ giúp chúng ta thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa tại mảnh đất quê hương này với năng động mới, phương pháp mới, ngôn ngữ mới và cách diễn tả phù hợp hơn.

Như thế, Đức Tin không chỉ dừng lại ở việc tuyên xưng nơi đầu môi chót lưỡi hay giới hạn ở nhà thờ, mà cần thể hiện trong đời thường và đi vào mọi lãnh vực của cuộc sống. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có lý khi khẳng định rằng:“Nếu một đức tin chưa trở thành (đời sống) văn hóa, thì đức tin đó chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự được suy tư và chưa được sống cách chân thành”.

5. Sống trong môi trường xã hội Việt Nam hôm nay, một xã hội đầy bất công, bất trắc, bất an và bất ổn, người Công giáo Vinh phải là những chứng nhân không những về đời sống tâm linh, mà còn về những đức tính nhân bản như ngay thẳng, thật thà, hiền lành, trong sạch và trung tín. Chúng ta phải là những người đi đầu trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường, tôn trọng lợi ích chung và giữ luật giao thông tốt hơn. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi trở thành những người có khả năng đối thoại với anh chị em không tôn giáo và khác tôn giáo; quảng đại phục vụ và giúp đỡ những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, v.v...

III. Kết luận

6. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI mời gọi tất cả các Kitô trên thế giới “phải lên đường để đưa con người ra khỏi sa mạc, đến nơi có sự sống, đạt tới tình bằng hữu với Con Thiên Chúa, đến gấn Đấng ban sự sống cho chúng ta” (Tự Sắc Porta Fidei, số 2).

Thể theo lời mời gọi của Đức Thánh cha, tất cả các giáo hạt trong giáo phận Vinh sẽ long trọng tổ chức lễ khai mạc Năm Đức Tin vào Chúa nhật 14.10.2012. Ước mong mọi cố gắng và sáng kiến dành cho Năm Đức Tin sẽ giúp chúng ta tái khám phá nội dung Đức Tin được tuyên xưng và mạnh dạn đưa ra các sáng kiến mới để canh tân đời sống, cũng như để biểu lộ và cử hành niềm tin trong môi trường xã hội.

Nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng được tuyên xưng là người “có phúc vì đã tin” (Lc 1,45), cùng với  “Sáu Ông Phúc Lộc”, những chứng nhân kiên cường của Đức Tin: thánh Lê Tùy, thánh Borie Cao, thánh Vũ Đăng Khoa, thánh Nguyễn Thời Điểm, thánh Nguyễn Khắc Tự, thánh Hoàng Khanh, xin Thiên Chúa chúc lành cho giáo phận Vinh chúng ta luôn trung kiên với Đức Tin của mình, bất chấp mọi gian nan, thử thách.                                                                   

+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Giám mục giáo phận Vinh

Nguồn : giaophanvinh.net