Quyết bào mòn sách vở - để lập trình tương lai

++ CLOISTERER, STUDENT AND YOUTH PHU QUY GROUPS ++ IN SAI GON ++ WE LOOK FORWARD TO THE CONTRIBUTION AND SHARE YOU ALL ! ++

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Khắp nơi hiệp thông với tín hữu Con Cuông

        GPVO - Vụ đập phá ảnh tượng, hành hung linh mục, tu sĩ và   giáo dân tại giáo điểm Con Cuông là hành vi xúc phạm niềm tin tôn giáo nặng nề xảy ra tại Việt Nam, đã làm đau lòng và phẫn uất đối với những ai yêu chuộng công lý và tự do trên toàn thế giới.
Trên đường công vụ ở châu Âu, ngày 4/7/2012, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã gửi thư cho cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận "chia sẻ nỗi đau với anh chị em giáo dân Con Cuông" và coi đó là "một trong những vụ việc mà đáng lẽ ra không được hiện diện ở thế kỷ XXI này". Vị chủ chăn Giáo phận bảo đảm rằng "mặc dù xa cách vạn dặm về địa lý, nhưng hơn bao giờ hết, lúc này tôi đang hiệp thông và sát cánh cùng với anh chị em trong lời cầu nguyện". Bức thư này được đọc tại tất cả các nhà thờ trên toàn Giáo phận ngày Chúa nhật 8/7/2012.Tại Tòa Giám mục Xã Đoài, các linh mục có trách nhiệm đã ban hành Thông cáo gửi đến các giáo xứ về sự việc xảy ra tại giáo điểm Con Cuông, “cực lực lên án hành vi phạm thánh, hành hung linh mục và giáo dân của chính quyền huyện Con Cuông, xã Yên Khê”.Tòa Giám mục kêu gọi các giáo xứ thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Con Cuông tối thứ Bảy và Chúa nhật ngày 8/7/2012, đồng thời căng biểu ngữ “Phản đối hành vi phạm thánh và đánh đập linh mục, giáo dân của chính quyền tại Con Cuông”. Ngoài ra, Tòa Giám mục cũng mời gọi "những người có thiện chí lên tiếng bênh vực anh chị em tại Con Cuông". Và lời mời gọi này đã được hưởng ứng khắp nơi.Thư của Đức Giám mục Vincent Nguyễn Văn Long
Từ Australia xa xôi, ngày 5/7/2012, Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục Phụ tá Giáo phận Melbourne, đã gửi thư hiệp thông đến anh chị em giáo dân Con Cuông, "bày tỏ sự xúc động sâu xa trước những biến cố đang dồn dập xẩy đến với anh chị em trong những ngày qua."Vị giám mục mới nhất của người Việt viết: "Thật đau buồn khi chúng ta phải chứng kiến cảnh bắt bớ, đánh đập và hành hung linh mục và các giáo dân trong khi thờ phượng. Thật xót xa khi những người làm công cụ của chế độ đã không kể việc phạm sự thánh khi đập phá ảnh tượng và gây thương tích cho các nạn nhân vô tội."Trong tình đồng bào cũng như trong cùng một đức tin, chúng tôi muốn bày tỏ sự hiệp thông sâu xa đến các nạn nhân cũng như toàn thể anh chị em giáo dân Con Cuông. Chúng tôi ngưỡng mộ và cảm phục đức tin can trường và ý chí bất khuất của anh chị em trước bạo quyền. Chính lòng tin và ý chí này sẽ chiến thắng bóng tối của sự dữ.""Cảm ơn anh chị em đã cho chúng tôi thấy sự trân quý của tự do mà anh chị em sẵn sàng trả bằng mọi giá, ngay cả bằng tính mạng. Sự hào hùng của đất Vinh và sự bất khuất của Nghệ An đang sống lại trong anh chị em. Bạo quyền rồi sẽ phải lui bước; bóng tối tội ác rồi cũng bị chế ngự."Thư hiệp thông của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
Từ trong nước, Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền "hết sức bàng hoàng, đau đớn và phẫn nộ khi nghe hung tin" đã gửi thư hiệp thông với giáo điểm Con Cuông:"Bày tỏ lòng hiệp thông với những khổ nạn mà các chủ chăn và giáo dân Con Cuông đã gánh chịu suốt một thời gian dài trong tinh thần yêu thương và tha thứ, hy sinh và cầu nguyện, nhất là với những đau đớn thể xác và tinh thần mà một số anh chị em đã và đang trải qua sau sự cố ngày 1 tháng 7.""Bày tỏ lòng khâm phục trước thái độ vừa hiền hòa nhẫn nhục, vừa kiên trì can đảm của các linh mục và giáo dân giáo điểm Con Cuông từ bấy lâu nay trong việc khẳng định quyền tự do tôn giáo, bất chấp những sách nhiễu, cấm cản, hăm dọa, phá hoại vừa tàn bạo vừa đê hèn.""Bày tỏ lòng khâm phục trước cử chỉ đoàn kết trợ lực của anh chị em thuộc các giáo xứ bạn như Lãng Điền, Yên Lĩnh, Quan Lãng, Bột Đà, Sơn La… Đây là dấu chỉ của tinh thần hiệp thông trong Hội Thánh và là phương cách xây dựng sức mạnh tập thể để đương đầu cách bất bạo động.""Hoàn toàn tán đồng bức thư hiệp thông của vị Chủ chăn Giáo phận. Cảm ơn Đức Cha đã mau mắn chia sẻ nỗi đau của anh chị em giáo dân, chia sẻ trách nhiệm với các linh mục quản xứ; đã tin tưởng vào sự ứng xử khôn ngoan và nhiệt thành của cộng đoàn Dân Chúa ở Nghệ Tĩnh Bình; đã kêu mời toàn thể Giáo phận hiệp thông cầu nguyện và toàn thể những người yêu chuộng hòa bình, công lý, tự do hướng về Con Cuông.""Hoàn toàn tán đồng Văn thư gửi nhà cầm quyền, Thông cáo gửi toàn giáo phận của Tòa Giám mục Vinh cũng như Thông cáo Báo chí của Liên hiệp Truyền thông Công giáo Việt Nam tại hải ngoại.""Hoan hô Cha đại diện Giám mục, Cha chánh văn phòng và quý Cha trong Liên hiệp Truyền thông đã trình bày rõ ràng và cương quyết khẳng định quyền tự do tôn giáo tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông; đã vạch trần âm mưu phá đạo mang tính hệ thống, có tổ chức, dàn dựng công phu của các thế lực đen tối; đã cực lực lên án hành vi phạm thánh, hành hung tín hữu rồi vu khống nạn nhân, xuyên tạc sự thật của nhà cầm quyền; đã kêu mời toàn thể Giáo phận thắp nến cầu nguyện, dâng lễ hiệp thông cho các giáo dân bị bách hại và giăng biểu ngữ phản đối hành vi đàn áp tôn giáo.""Tha thiết mời gọi mọi con Hồng cháu Lạc cùng đoàn kết hiệp thông, đồng hành chia sẻ với Giáo điểm Con Cuông nói riêng và mọi Cộng đoàn tôn giáo đang gặp cùng hoàn cảnh đau thương này." "Chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa thúc đẩy thiện chí trong mỗi một tâm hồn và ban ơn an bình cho những tâm hồn thiện chí, để tất cả cùng nhau xây dựng một Việt Nam trong chân lý, công bằng, tình thương và tự do."Trong khi đó, Liên hiệp Truyền thông Công giáo Việt Nam ra thông cáo báo chí bày tỏ tình "hiệp thông, cầu nguyện, và chia sẻ với giáo điểm Con Cuông, đồng thời, nghiêm khắc lên án và tố cáo trước dư luận quốc tế những hành vi đàn áp và đả thương linh mục và giáo dân tại giáo điểm Con Cuông." Đêm rạng ngời ánh nến và lời nguyện cầu


Các giáo xứ trên toàn Giáo phận Vinh đồng loạt treo biểu ngữ phản đối hành vi phạm thánh và hành hung tín hữu, đồng loạt thắp nến hiệp thông cầu nguyện cho tín hữu Con Cuông đêm thứ Bảy, 7/7/2012, một đêm rạng ngời ánh nến và lời nguyện cầu trải dài trên dải đất hẹp và đầy khổ ải của miền Trung. Lời kinh tha thiết vang lên cùng với ánh nến lung linh, mong ước xua tan bóng tối của bất công và bạo tàn.
Từ thủ đô Hà Nội, hơn 3000 tín hữu cùng với 17 linh mục dâng thánh lễ tối thứ Bảy tại nhà thờ Thái Hà, cầu nguyện cho những người đồng đạo ở Con Cuông được hưởng tự do và hòa bình, hạnh phúc và cầu cho công lý và sự thật được ngự trị giữa lòng xã hội, nơi mà sự giả dối và bạo lực đang lên ngôi.Tại Sài Gòn, trong tất cả các thánh lễ tối thứ Bảy và ngày Chúa nhật ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đều có phần hiệp thông cầu nguyện cho anh chị em giáo hữu Con Cuông, cho những người tham gia vào vụ đàn áp tôn giáo, và cho nhà cầm quyền biết tôn trọng luật pháp, quyền tự do tôn giáo và tôn trọng sự thật.Cũng tối ngày 07/07/2012, những thuyền nhân Việt Nam đang tị nạn ở Indonesia, trong đó có nhiều con cái của Giáo phận Vinh, hết sức bức xúc trước nghịch cảnh bất công ngay tại quê hương mình, đã thắp nến hiệp thông cầu nguyện cho giáo dân Con Cuông, đang phải đương đầu với bất công và bạo lực.Các hãng thông tấn báo chí vào cuộc
Sự kiện chính quyền tại Con Cuông dùng công an, dân phòng và quần chúng được thuê mướn, hành hung linh mục, nữ tu và giáo dân vì họ hành lễ Chúa nhật ngày 01/7/2012, nhất là việc đập nát một tượng Đức Mẹ, đã được các hãng thông tấn báo chí và blog cá nhân đưa tin rất nhanh và phong phú.Trang tin giaophanvinh.net đã đăng tải thông tin kịp thời và đầy đủ, phản ánh quan điểm chính thức của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh. Trong khi đó, các trang mạng khác cũng đã vào cuộc chuyển tải thông tin đa chiều cho độc giả của mình. Đó là trang tin của các giáo phận Ban Mê Thuột, Kontum, Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Dòng Chúa Cứu Thế, Vietcatholic, Bauxite Việt Nam, Đài Á châu tự do, UCAN, RFI, NVCL, Eglise d'Asie, Asia-News,... và rất nhiều trang mạng, blog khác.Như thế anh chị em tín hữu Con Cuông, dù chỉ là một nhóm nhỏ ở miền Tây xứ Nghệ, sẽ không bị lãng quên nhưng thực sự ở trong tim mọi người yêu chuộng công lý, hòa bình và tự do trên toàn thế giới...

John Phạm

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Đạo Thiên Chúa hay Đạo Công Giáo? – Hãy biết phân biệt cho chính xác.

Hỏi: Xin Cha giải thích: Đạo Thiên Chúa là gì, và khác Đạo Công Giáo như thế nào?

Trả lời:
Trong thực tế, nhiều người đã lầm lẫn khi dùng cụm từ “Đạo Thiên Chúa” hay "Thiên Chúa Giáo" để chỉ Đạo Công Giáo (Catholicism), tức là Đạo thánh mà chính Chúa Kitô đã rao giảng và thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Tông Đồ như phương tiện để loan truyền và mang ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi dân mọi nước cho đến ngày mãn thời gian.
Đó là Đạo cứu rỗi mời gọi mọi người đón nhận để được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong Vương Quốc tình yêu của Ngài.
Xét về từ ngữ (terminology) thì danh xưng Đạo Thiên Chúa nghe có vẻ hợp lý vì mục đích tôn thờ Thiên Chúa là Chủ tể vạn vật và vũ trụ. Nhưng nếu đi sâu vào nôi dung thần học, thì danh xưng này không phân biệt rõ đối tượng và mục đích tôn thờ của các tín hữu có cùng niềm tin vào Thiên Chúa (God) nói chung và Chúa Cứu Thế Giêsu nói riêng. Các tín hữu này hiện đang phân tán trong các Giáo Hội, hay Đạo, có danh xưng khác nhau như sau:
1. Do Thái Giáo (Judaism)
Do Thái Giáo, hay còn gọi là Đạo Maisen (Mosaic Religion), là Đạo tôn thờ Thiên Chúa Yahweh, là Cha của các Tổ Phụ Abraham, Isaac và Israel (Jacob). Ngài cũng là Đấng, qua tay ông Maisen, đã giải phóng cho dân Do Thái thoát ách thống khổ bên Ai Cập và mang họ vượt Biển Đỏ trở về quê hương an toàn. Và cũng qua trung gian ông Maisen, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái và cho cả nhân loại ngày nay Mười Điều Răn như giao ước phải thi hành để được chúc phúc và được sống với Thiên Chúa là tình thương.

Tín hữu Do Thái thuộc Đạo này cho đến nay vẫn chỉ tôn thờ một Thiên Chúa Yaweh độc nhất mà thôi (monotheism). Họ không có ý niệm gì về một Thiên Chúa Ba Ngôi (The Holy Trinity) vì họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống thế làm Người để cứu chuộc nhân loại. Họ cũng không biết gì về Chúa Thánh Thần, mặc dù Kinh Thánh Cựu Ước có hé mở chút ánh sáng về Ba Ngôi Thiên Chúa qua trình thuật Ba người khách lạ đến thăm ông Abraham và được ông niềm nở đón tiếp dù không biết họ là ai (x. Stk 18:1-15).
Cũng vì không nhìn nhận Chúa Cứu Thế Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và Phúc Âm của Người, nên Kinh Thánh của Do Thái Giáo chỉ có phần Cựu Ước mà thôi.
2. Công Giáo La Mã (Roman Catholicism)

Công Giáo La Mã, chính là Kitô Giáo, tức là Đạo Cứu Rỗi do Chúa Kitô khai sinh với việc Người xuống trần gian làm Con Người, đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành và cuối cùng, chết trên thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc cho loài người khỏi chết vì tội.

Đạo Công Giáo tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cùng một bản thể (substance) và uy quyền như nhau. Thiên Chúa của Đạo Công Giáo là Thiên Chúa của Chúa Kitô (Christian God) và cũng là Thiên Chúa của các Tổ Phụ Do Thái. Do đó, Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo gồm cả hai phần Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament), với tổng cộng 72 Sách Thánh mà Giáo Hội Công Giáo dạy tín hữu phải đọc để nuôi dưỡng đời sống đức tin nhờ nghe Lời Chúa để biết sống theo đường lối của Người.
3. Chính Thống Giáo

Chính Thống Giáo là Nhánh Kitô Gíáo Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã từ năm 1054 vì một số bất đồng về tín lý, phụng vụ và quyền bính. Cho đến nay, nhánh này vẫn chưa hiệp nhất trọn vẹn được với Giáo Hội Công Giáo La Mã dù cả hai bên đã có nhiều thiện chí và cố gắng để xích lại gần nhau. Công Giáo và Chính Thống đều có chung nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession) nên có chung các bí tích hữu hiệu như nhau, mặc dù vẫn chưa thể hiệp nhất được vì một trở ngại duy nhất là vấn đề quyền bình của Đấng thay mặt Chúa Kitô để cai trị Giáo Hội. Đó là quyền bính của Đức Thánh Cha, cũng là Giám Mục Rôma, mà anh em Chính Thống chưa công nhận.
4. Tin Lành (Protestantism)
Tin Lành là Nhánh KitôGíáo đã ly khai khỏi Công Giáo và Chính Thống Giáo sau những cuộc cải cách (reformations) do Martin Luther chủ xướng tại Đức năm 1517, lan qua Pháp với John Calvin, Thụy Sĩ với Ulrich Zwingli.
Nhưng chính nội bộ nhánh này sau đó cũng đã phân chia thành hàng ngàn các nhánh nhỏ khác nhau như Baptists, Methodists, Lutherans, Presbyterians, Episcopalians, Pentecostals, Quakers, Church of Christ .v.v Họ cũng tôn thờ một Thiên Chúa và tin Chúa Kitô là Cứu Chúa (Savior), cũng như lấy Kinh Thánh làm nền tảng cho niềm tin và sứ vụ giảng dạy (Preaching ministry), nhưng khác biệt với Công Giáo và Chính Thống Giáo về nhiều điểm căn bản liên quan đến thần học, bí tích, phụng vụ, quyền bính và Kinh Thánh (Họ giải thích Kinh Thánh theo cách hiểu riêng của họ). Thêm vào đó, cũng như Chính Thống Giáo, các nhánh Tin lành đều không công nhận vai trò và quyền bính tối cao của Đức Giáo Hoàng La Mã. Một điểm quan trọng nữa cần nói thêm là các nhánh Tin lành này đều không có nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession), nên họ không có các bí tích hiệu như Công Giáo và Chính Thống, trừ phép Rửa mà đa số họ có.
5. Anh Giáo (Anglicanism)
Anh Giáo, tức nhóm Kitô Giáo đã tách khỏi Công Giáo La Mã vì sự bất mãn liên quan đến vấn đề hôn nhân của Vua Henry VIII trong thế kỷ XVI. Vua Henry này đã tuyên bố ly khai khỏi Công Giáo La Mã và tự phong làm thủ lãnh nhánh ly khai này. Nhóm này có tên chung là Anglican Communion, tức là Anh Giáo, hoàn toàn khác với Giáo Hội Anh Quốc (The Church of England) là Giáo Hội Công Giáo của nước Anh hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã (Rome).
Nhưng cách nay gần hai năm, một biến chuyển mới trong liên hệ giữa Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo, là có một nhóm khá đông các tín hữu Anh giáo cũng với giáo sĩ của họ, đã xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Để đón mừng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm cựu Anh Giáo này, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, ngày 09-11-2009, đã cho công bố Tông Thư "Anglicanorum coetibus" (Các tín hữu Anh Giáo) theo đó, Tòa Thánh cho phép thiết lập các Giáo Hạt tòng nhân trong ranh giới của một số Giáo Phận Công Giáo ở Anh Quốc và xứ Wales để cho các cựu tín hữu Anh giáo được cử hành các nghi thức phụng vụ và bí tích theo nghi thức của truyền thống Anh Giáo đã được Tòa Thánh phê chuẩn.
Mới nhất, ngày 15-1-2011 vừa qua, ba cựu giám mục Anh giáo đã được tấn phong linh mục Công Giáo tại Thánh Đường Westminster, Luân Đôn. Và một trong ba tân linh mục này, cha Keith Newton, đã được cử làm Quản hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham, một Quản hạt tòng nhân đầu tiên mới được thành lập ngày 15-1 vừa qua để đón nhận các cựu tín hữu Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo.
Sở dĩ có việc truyền chức cho các cựu giám mục Anh Giáo là vì Giáo Hội Công Giáo không công nhận Anh Giáo có bí tích Truyền Chức hữu hiệu, nên các cựu linh mục và giám mục Anh Giáo, nếu muốn, đều phải xin thụ phong linh mục Công Giáo trước và sau này, có thể có linh mục được chọn làm giám mục Công Giáo.
Lại nữa, vì Anh Giáo cho các linh mục và giám mục của họ kết hôn, nên sau khi được thụ phong linh mục Công giáo, họ vẫn được phép tiếp tục sống với vợ con.

6. Đạo Hồi (Islam)

Ngoài ra, còn phải kể thêm một tôn giáo lớn nữa, cũng tôn thờ Thiên Chúa mà họ gọi là Đấng Allah. Đó là Đạo Hồi, do Muhammad sáng lập vào năm A.D 622.
Từ ngữ Islam trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là “Tuân phục ý muốn của Thiên Chúa = (Submission to the will of God)” nhưng Đạo này khác xa Đạo Do Thái, Công Giáo và các Nhánh Kitô Gíáo nói trên về nhiều mặt. Thí dụ họ chỉ coi Chúa Giêsu là một người thường, một tiên tri như Abraham, Moses, Noah v.v và kinh thánh của họ là kinh Koran.

+++
Như vậy, không có đạọ nào gọi là Đạo Thiên Chúa (Deism) đúng nghĩa với danh xưng này cả vì trong thực tế, tất cả các Nhánh hay Đạo mang các danh xưng riêng biệt trên đây đều tôn thờ Thiên Chúa (God). nhưng với nội dung thần học khác nhau, kể cả khác biệt về phương thế thể hiện sự tôn thờ đó (Liturgy).
Nói khác đi, các Nhánh Kitô giáo và Do Thái giáo nói trên, tuy cùng tôn thờ Thiên Chúa, nhưng rất khác nhau về quan điểm thần học, bí tích, phụng vụ, mục vụ và quyền bình. Do đó, không thể gọi Đạo Công GiáoĐạo Thiên Chúa cách chung được vì như vậy, sẽ lẫn lộn với các đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng khác nhau về nhiều điểm như đã nói trên đây.
+++
TẠI SAO PHẢI GỌI KITÔ GIÁO LA MÃ LÀ ĐẠO CÔNG GIÁO?

Để trả lới câu hỏi này, chúng ta cần nhớ lại từ đầu Thiên Chúa (God) chỉ tỏ mình ra cho dân Do Thái và chọn dân này làm dân riêng mà thôi: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta” (Xh 19:5).
Như thế, trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm Con Người, chỉ có dân Do Thái được biết Thiên Chúa Yahweh là Cha các Tổ Phụ của họ, là Đấng đã giải phóng họ và ban cho họ Mười Điều Răn làm Giao ước (Covenant) mà thôi. Ngoài Dân Do Thái ra, các dân khác đều là dân ngoại (gentiles) vì không biết Thiên Chúa Yahweh của dân Do Thái.
Nhưng sau khi Chúa Giêsu giáng sinh ở Bethlehem, Chúa đã tỏ mình ra cho các dân ngoại qua ánh sao lạ ở Phương Đông, mời gọi ba đạo sĩ dân ngoại đầu tiên đến thờ lạy Chúa (x. Mt 2:1-12). Sự kiện này đã nói lên nét phổ quát (universality) của ơn cứu độ. Nghĩa là ơn này được dành cho hết mọi dân tộc, không chỉ riêng cho dân Do Thái. Vì thế, trước ngày về trời Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).
Đây là lý do vì sao Đạo của Chúa Kitô (Christianity) được gọi là Đạo Công Giáo vì mục đích phổ quát của ơn cứu độ mà Chúa đã mang đến cho nhân loại qua Hy Tế thập giá của Người. Vì thế từ ngữ “Công giáo” ở đây có nghĩa là chung, là phổ quát (universal), dành cho hết moi người không phân biệt màu da, tiếng nói và văn hóa.

Như vậy từ ngữ “công giáo” (catholicam = catholique = catholic…..) không hề có nghĩa là công cộng (public) như có người không hiểu biết gì, nhưng đã có ác ý dịch ẩu Đạo Công Giáo sang tiếng Anh là Public Religion. Dịch như vậy cũng tương tự như người mới học tiếng Anh đã tự ý dịch nước đá (ice) là “water stone”!
Cũng vậy, nếu biết tiếng Anh đủ và có đọc sách vở viết bằng Anh ngữ về các thuật ngữ (terms) của Kitô Giáo, thì tội tổ tông, người Anh Mỹ gọi là Original sin, người Pháp gọi là Péché originel, người Tây Ban Nha gọi là Pecado original, chứ không ở đâu có từ ngữ “father’s sin” để chỉ tội tổ tông cả. Dịch kiểu này thì người Anh Mỹ không thể nào hiểu đúng ý của người dịch được.
Tóm lại, danh xưng phải chính xác về các vần đề tôn giáo để tránh hiểu lầm hay xuyên tạc mục đích. Cụ thể, Đạo Công Gíao (Catholicism) là Đạo mà chính Chúa Giêsu đã khai sinh và giảng dạy để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người thành tâm thiện chí muốn đón nhận để được cứu rỗi và sống đời đời. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội duy nhất do Chúa Kitô đã thiết lập để tiếp tục rao giảng và chuyển chở ơn cứu độ đó đến cho những ai muốn tiếp nhận. Giáo Hội này được đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng là Người duy nhất nối tiếp Sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô, với sự hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của các Giám mục trong toàn Giáo Hội.
Đó là những nét đại cương để phân biệt Đạo và Giáo Hội Công Giáo với các Đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa, nhưng đang hoạt động bên ngoài Giáo Hội Công Giáo.
Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn : Sưu tầm