Quyết bào mòn sách vở - để lập trình tương lai

++ CLOISTERER, STUDENT AND YOUTH PHU QUY GROUPS ++ IN SAI GON ++ WE LOOK FORWARD TO THE CONTRIBUTION AND SHARE YOU ALL ! ++

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Làm Người Kitô Hữu, Tại Sao?



Timothy RADCLIFFE, OP.
Hoàng Dũng, OP. chuyển ngữ
Lời giới thiệu
« Làm người kitô hữu, tại sao ? » mới đây một người bạn hỏi tôi như vậy. Tôi phải nhìn nhận rằng câu hỏi đã làm tôi bất ngờ. Tôi lớn lên trong bầu khí Kitô giáo nhưng thực sự thì đức tin của tôi chẳng ăn nhập vào đâu cho đến ngày tôi tự hỏi rằng nó đúng hay sai. Nếu thực sự toàn nhân loại được hướng đến chia sẻ niềm vui khôn tả của Thiên Chúa, thì điều đó phải thực sự là mục đích của đời tôi. Nếu không, tôi sẽ phải rời bỏ ngay Hội Thánh này. Tôi trả lời bạn tôi : « bởi vì đó là thật », nhưng câu trả lời của tôi không hoàn toàn làm thỏa mãn bạn tôi. « Làm người kitô hữu, để làm gì ? Đâu là lý do chính đáng để làm người kitô hữu ?»
Hiển nhiên, chúng ta chẳng thể hiểu được. Nếu Kitô giáo đúng, thì không còn lý do nào khác đưa chúng ta về với Chúa, Đấng là nguồn cội của mọi nguyên nhân. Nếu ta tự vấn rằng, xét cho cùng, mọi sự vật trên đời này để làm gì, và nếu ta đẩy câu hỏi đi xa hơn nữa cũng như dám đụng chạm đến những điều quan trọng, thì ta sẽ phải tự nhủ rằng đâu là lý do tồn tại của đời ta hay đâu là cùng đích của đời ta, cũng chính vì lý do đó mà ta đụng đến tôn giáo. Tôn giáo được rao bán dưới những hình thức mang tính hữu dụng đáp ứng cho một cái gì đó. Nếu tôn giáo giúp ta sống quân bình, hay giúp ta xả « stress », hay giúp làm giàu, thì tôn giáo đã tự lừa dối chính mình. Nếu tôn giáo tự nhận là hữu dụng cho cái gì đó, thì tôn giáo đó không còn xứng đáng nữa. Lý do tồn tại của bất cứ tôn giáo nào là nó phải hướng con người về với Thiên Chúa, Người là căn nguyên của vạn vật. Vì thế không có lẽ nào để hỏi rằng Thiên Chúa có thích đáng để tin không bởi vì Người là thước đo của mọi sự thích đáng.
Nhưng bạn tôi không dễ bị thuyết phục : « Anh rút ra được gì từ đó ? Điều đó cho anh cái gì ? » Và tôi bắt đầu hiểu ra anh muốn đi đâu. Những chân lý mà chúng ta gắn kết này phải có sự vang vọng trong đời ta. Chân lý phổ quát về trọng lực hay chuyện trái đất tròn đều có những hệ quả ; ta có thể lập ra những kế hoạch cho một chiếc máy bay cất cánh, rồi bay theo một phương xác định thì nó trở về tại chính điểm xuất phát. Nếu quả thực các chân lý được kitô giáo giảng dạy không có tác dụng trên đời sống của chúng ta, không có hiệu quả, thì đâu là chân lý chúng ta loan truyền ? Nếu Thiên Chúa là căn nguyên của mọi sự, thì là người kitô hữu, là người có đạo, có Chúa như cùng đích tối hậu phải làm sáng lên trong cuộc đời của chúng ta.
Kitô giáo phải thực hiện sự khác biệt, dù cho ta không phải là kitô hữu do sự khác biệt này. Chẳng hạn, nếu ta chứng minh rằng những người kitô hữu đằm thắm hơn, ít bị căng thẳng hơn những người khác, thì ta có thể thúc đẩy mọi người chia sẻ niềm tin của ta để ít bị co quắp dúm dó : « Trở nên người kitô hữu, bạn sẽ ngủ ngon hơn. » Điều này làm cho tôn giáo bị giản lược thành một lối sống đáp ứng cho một vài nhu cầu nào đó, như chơi thể thao vậy. Điều này trở về với việc buôn Thần bán Chúa cho một số những đặc tính hữu dụng nào đó, như một loại dầu tinh chất chẳng hạn. Nhưng điều mà đức tin mang lại, chẳng hạn như, thoải mái hơn, hạnh phúc hơn, can đảm hơn, hay bất cứ điều gì khác, có thể làm ta nghĩ rằng các chân lý mà kitô giáo loan truyền không dửng dưng khác biệt và xứng đáng được nhìn ngắm thật gần hơn. Nếu ta thiết lập đời ta với ý tưởng mà Thiên Chúa là số phận sau hết của ta có những hệ quả, như làm cho ta tự do hơn (như tôi dự trù), nên ta không thể nói với người khác rằng : « Hãy làm người kitô hữu, điều đó làm cho bạn tự do ». Nhưng nếu người ta nhận ra rằng những người có đạo, kitô hữu tự do theo cách đầy quyến rũ và hấp dẫn, rồi họ có thể sẽ quan tâm để biết tại sao và sau hết sẽ đi đến với Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ.
Đức Hồng y Suhard, nguyên Tổng giám mục Paris, viết rằng « là nhân chứng không hệ tại ở việc tuyên truyền, cũng không đánh động người ta, nhưng là một mầu nhiệm sống động. Nghĩa là sống theo cách mà cuộc sống của ta chẳng còn ý nghĩa gì nữa nếu Thiên Chúa không tồn tại »[1]. Nơi những người có đạo phải có cái gì đó làm xửng sốt người khác và thúc đẩy họ tự hỏi tự đáy lòng rằng cuộc đời họ có gì.
Vào thế kỷ II và III, một người kitô hữu vô danh đã viết Bức thư gởi Diognetus trong đó khảo sát tỉ mỉ sự khác biệt của người kitô hữu :
Vì những người kitô hữu không phân biệt với những người khác do nguồn gốc xứ sở, lẫn ngôn ngữ, cũng chẳng bởi áo quần trang phục. Họ không sống trong những thành phố của riêng họ, họ cũng không dùng cách nói riêng lạ lùng nào khác, lối sống của họ chẳng có chi khác biệt. Đó không do sự tưởng tượng hay mơ màng của tinh thần xáo động mà đạo lý của họ cần được khám phá ; họ không làm như biết bao những nhà vô địch khác về một đạo lý cho con người. Họ ra đi từ những thành của người Hy Lạp hay dân man di theo số phận riêng của mỗi người ; họ hòa nhập vào phong tục của địa phương từ quần áo, lương thực đến cách sống, tất cả đều toát lên cho chúng ta lối sống nổi bật của họ thật đáng khâm phục. Họ giữ lại riêng cho mình tổ quốc của mỗi người, nhưng làm người ngụ cư trên đất khách. Họ thi hành mọi bổn phận và nghĩa vụ công dân như những người ngoại kiều. Tất cả xứ sở ngoại quốc đều là tổ quốc và tổ quốc, tất cả là những mảnh đất xa lạ.[2]
Ý tưởng này đã là cái gì đó hoàn toàn khác biệt trong cách sống của những người kitô hữu khiến cho những người ta phải kinh ngạc. Ông Tertulian, ở thế kỷ II, viết rằng người ta kinh ngạc khi thấy biết bao người kitô hữu yêu thương nhau. Có cái gì đó gây kinh ngạc trong cách sống của chúng ta không ?
Nơi người trẻ có một niềm khát khao tâm linh vô biên. Bản điều tra năm 1999 về những giá trị này cho thấy rằng, con số hằng gia tăng những người trẻ tự coi mình là người có đạo[3] và đang tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Họ quan tâm nhiều đến « giá trị tâm linh » hơn là những lý thuyết giáo điều và họ ngầm hiểu rằng thuộc về bất cứ cơ chế tôn giáo nào cũng sẽ cản trở sự độc lập của mình. Để nói về điều này xin được dùng từ ngữ của Grace Davie, nhà xã hội học nghiên cứu tôn giáo ở Âu Châu, They believe without belonging (họ tin mà không thuộc về)[4]. Thường họ quan tâm đến các trường phái tôn giáo khác hơn là kitô giáo.
Như một kitô hữu, tôi tin rằng đức tin của tôi là « tin mừng », nghĩa đen của từ « phúc âm ». Tại sao những người trẻ thường xuyên không cảm thấy đức tin như là tin mừng tuyệt vời và hấp dẫn ? Tại sao điều chúng ta khẳng định nhân danh niềm tin của chúng ta ra như thường kém thuyết phục và thậm chí buồn chán ? Phải chăng bởi vì rất thường chẳng có chi đánh động cuộc đời ta ? Thường xuyên, không có gì có thể làm chớt quớc và gây bối rối những con người, đến nỗi cuộc đời ta chẳng có nghĩa chi nếu Chúa không tồn tại.
Tất cả các giáo hội kitô, trong những năm gần đây, thực hiện một nỗ lực lớn lao nhằm loan truyền Phúc Âm. Trong Giáo hội Công giáo người ta nói nhiều đến việc Phúc Âm Hóa. Các giáo phận và các giáo xứ lập ra những kế hoạch đầy tham vọng để làm mọi người nhận biết đức tin ; nói chung, là không có nhiều kết quả. Chúng ta nói nhiều đến tình thương, đến tự do, đến hạnh phúc, v.v… nhưng ít khi người ta thấy nơi các giáo hội của chúng ta là những nơi mà họ được tự do và can đảm. Thế thì tại sao người ta lại phải tin chúng ta chứ ? Đức Giêsu nói đến quyền bính, không như các kinh sư và những người biệt phái ; quyền bính của Người phải được ngự trị trong sự tự do và niềm vui mà Người tỏ hiện ra bên ngoài. Lời của Người đánh động, bởi vì nó tương thích với một cuộc đời bị lay động. Người đi đến với dân ngoại, ăn uống với những cô gái làng chơi và chẳng sợ kẻ nào. Tôi muốn suy tư ở đây về điều mà đức tin có thể làm khác đi trong cách sống của chúng ta.
Hãy để tôi làm sáng tỏ hơn từ sự khởi đầu rằng điều khác biệt nổi bật là không phải những người kitô hữu thì hơn những người khác. Chẳng có chi minh chứng cho điều này. Đức Giêsu đã nói : « Tôi không đến kêu gọi những người công chính nhưng là người tội lỗi » (Mc 2,17), và điều này người vẫn còn tiếp tục làm. Người ăn uống với những con người tai tiếng. Hội Thánh là một người vì mọi người, và đặc biệt những ai có cuộc đời bầy hầy, nhầy nhụa. Đúng vậy, người kitô hữu đầu tiên được vào Thiên đàng lại là một tên trộm chịu đóng đinh bên cạnh Đức Giêsu. Theo một bài thơ cổ trong phụng vụ Syriắc, khi hắn đến cửa thiên đường, thiên thần canh cửa không muốn cho vào vì sợ chứa chấp hạng người này trong nhà ![5] Dù sao đi nữa, một cộng đoàn được thành lập dựa trên lòng tự phụ là vượt trổi về mặt luân lý, sẽ không chỉ là đáng ghét nhưng chắc chắn mời gọi người ta tìm kiếm những thiếu xót của chúng ta và đưa chúng ra ánh sáng với niềm hân hoan. Nếu các giáo hội thường trở thành mục tiêu công kích của báo giới, và nếu mọi tội lỗi của chúng ta được đưa lên trang nhất của các tờ báo, đó là do ta thường có suy nghĩ sai lầm rằng làm người kitô hữu có nghĩa là ta sẽ hơn kẻ khác.
Cuốn sách này không chủ trương tìm kiếm chất phụ gia đặc biệt cho Kitô giáo, bí mật của hương vị Kitô giáo, như chất phụ gia bí truyền của rượu Chartreuse xanh hay công thức đặc biệt làm nên Pepsi Cola ; một cách khác, cuốn sách sẽ cố gắng xem xét đến những mặt khác biệt của niềm tin Kitô giáo, để thấy được bằng cách nào chúng mời gọi chúng ta giữ khoảng cách nào đó so với nền văn hóa ngự trị trong ngôi làng toàn cầu này. Chính những khác biệt này làm cho có nghĩa những khẳng định niềm tin của chúng ta ; nếu cuộc sống của ta, cách nào đó, không kỳ dị, nếu chúng ta luôn hoàn toàn giữ đúng chuẩn mực, thì những gì ta nói về đức tin chỉ là trống rỗng.
Chúng ta là những con vật có ngôn ngữ và chúng ta đặt nghĩa cho những vật khi nói về chúng ; niềm tin của chúng ta, nó cũng vậy, phải dùng ở thể khẳng định. Chúng ta khẳng định rằng vật này là thực. Nhưng thánh Tôma Aquinô, một tu sỹ dòng Đa Minh ở thế kỷ XIII, định nghĩa rõ rằng niềm tin của chúng ta không có đối tượng là chính các từ ngữ, nhưng các từ ngữ lại phải hướng chiều về nó, Thiên Chúa của chúng ta vượt lên trên các từ ngữ[6]. Điều đó không có nghĩa là những từ ngữ này không có tầm quan trọng, mà ngược lại ! Chúng là bậc thang cho chúng ta leo lên để đến được với các mầu nhiệm. Nhưng những từ ngữ này chỉ thông tin điều gì đó nếu ta phân biệt rằng chúng chỉ ra con đường vượt qua bên kia chính chúng.
Tu sỹ Huges ở đan viện Saint-Cher, một tu sỹ Đa Minh khác ở thế kỷ XIII, nói rằng « cánh cung được giương lên nhờ học hành, rồi nó được buông ra qua giảng thuyết ». Để thích ứng với so sánh này, tôi nói rằng những tuyên xưng đức tin thì như những mũi tên của người bắn cung. Toàn thể lợi ích của một mũi tên là nó phải bắn trúng đích và hướng về đích. Nếu người bắn cung tự bằng lòng với việc vuốt ve cung tên của mình, mà chẳng hề nghĩ đến chuyện phải bắn mũi tên ấy ra, thì chẳng có nghĩa gì đối với mũi tên ấy. Điều đó cũng đúng với những khẳng định đức tin của chúng ta. Những khẳng định này chỉ có nghĩa khi chúng được thúc đẩy về Chúa, tôi dám nói vậy, Người là Đấng vượt lên trên mọi khái niệm. Chính những mặt rối rắm này của đời sống kitô giáo đem lại một giá trị nào đó cho những gì chúng ta nói và thúc đẩy điều ta nói tới mầu nhiệm. Chẳng hạn, bất cứ ai cũng có thể nói « Thiên Chúa là tình yêu ». Nhưng điều khẳng định này chỉ mang ý nghĩa Kitô giáo khi nó trở thành sự thực việc thực của một cộng đoàn nơi người ta yêu thương nhau – cho dù chưa trọn hảo của những con người yếu đuối. Nếu ta nói rằng Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, nhưng chẳng có dấu chỉ nào cho thấy sự phục sinh này trong cuộc đời chúng ta, thì dù có thể nói về sự phục sinh cho đến cạn nước miếng, thì rồi ra ngôn từ của ta cũng sẽ xác xơ về mặt ý nghĩa.
Chúng ta thường than vãn bởi những người trẻ không còn biết chi đến kitô giáo, đến đạo nghĩa, nhưng người ta sẵn sàng mất thời gian để sản xuất ra ngày càng nhiều hơn các tài liệu, phim vidéo, các chương trình truyền thanh hay truyền hình, mà chẳng chịu khó làm cho Hội Thánh thành một nơi tỏ hiện sự tự do, can đảm, niềm vui và hy vọng. Chúng ta phải sống với những lời ta nói. Sự thật định rồi, nhưng những lời nói của chúng ta chỉ có nghĩa khi nó hóa thân vào trong cộng đoàn, mà những cộng đoàn này chỉ cho thấy bằng cách nào chúng, vượt qua chính chúng ta, hướng về Đấng đã đến tìm kiếm và ban cho chúng ta Lời của Người. Thánh Antôn Pađôva, nhà giảng thuyết dòng Phanxicô ở thế kỷ XIII, ái ngại về những gì mà Hội thánh ở thời của ngài bị « lạm phát ngôn từ ». Điều đó cũng ít thay đổi. Chúng ta vẫn tiếp tục tuôn ra hàng tấn tài liệu và những bài giảng dài lê thê, nhưng nếu người ta lại chẳng thể nhận ra trong đời sống của chúng ta như một luồng tự do, thì những tài liệu và bài giảng này sẽ làm biến dạng Tin Mừng mà chúng ta loan báo.
Lý do tồn tại của Kitô giáo là hướng chiều về Thiên Chúa, điều đó được chỉ định như ý nghĩa của đời sống chúng ta. Niềm hy vọng trên sự chắc chắn mà đời người có một lý do tồn tại tối hậu ; nếu nó không có, Kitô giáo và mọi tôn giáo khác với nó là một thứ mất thời giờ. Vì thế, chương đầu tiên được giành cho những gì có nghĩa là hy vọng và theo cách thức mà Kitô giáo tỏ hiện ra nơi cuộc đời của ta. Trong thực tế, toàn bộ cuốn sách này nói về niềm hy vọng của chúng ta. Nhưng niềm tin của ta không bảo chúng ta phải đi trọn con đường gian khổ hướng về Chúa, Người là mục đích cuộc chiến đấu của chúng ta, như hai chàng Frodo và Sam vượt bao gian nan để đến được Mordor[7]. Niềm tin mách bảo chúng ta rằng Thiên Chúa đã đến tìm và đã tìm thấy chúng ta. Thiên Chúa đã hiện diện trong đời của mọi người, ngay cả khi họ chẳng nhận ra. Như vậy, một cách nào đó, mục đích của niềm hy vọng, của số phận tối hậu chúng ta, đã hiện diện rồi. Các nhà giảng thuyết không đưa người ta về với Chúa ; chúng ta gọi tên Chúa, Người vẫn luôn hiện hữu. Là kitô hữu, chúng ta tin rằng sự hiện hữu này của Chúa lấy hình thức của tự do, của niềm vui và của tình yêu ; đó là những hoa trái đầu tiên của Vương quốc và những chương II-III tìm kiếm xem kitô giáo thúc đẩy chúng ta đến những hình thức bất bình thường và bất ngờ của tự do và hạnh phúc. Có thể một cách rất tò mò, tôi không giành chương nào để bàn về tình yêu, bởi vì nó chính là toàn thể sự sống kitô giáo và vì thế, tất cả những gì tôi viết, theo nghĩa nào đó, đã là bản bình giảng cho những gì có nghĩa là yêu mến.
Rõ ràng rằng, hiện nay, để đạt đến tự do và hạnh phúc đích thực đòi hỏi nơi chúng ta một sự chuyển đổi sâu sắc. Tự do không chỉ là chọn lựa giữa nhiều khả năng và hạnh phúc không chỉ là một cảm xúc dễ chịu. Đó là cách thức chia sẻ sự sống của Chúa và điều này khẩn nài chúng ta một cách chết và phục sinh. Thật đáng run sợ ! Chúng ta phải can đảm để cho Chúa, Người luôn ở bên để giải thoát chúng ta và đem lại cho ta niềm vui trọn vẹn ; đó là chủ đề của chương IV. Lòng can đảm là nhân đức cần thiết nhất, khẩn cấp nhất cho chúng ta ngày hôm nay, trong Hội Thánh. Tôi mong rằng người ta cũng sẽ hiểu được rằng tự do và hạnh phúc không chỉ là những thuật ngữ chỉ một tiến trình tâm lý : là con người không thể tự nhận thức mà không có thân xác, ta không thể nói đơn giản rằng chúng ta thân xác, nhưng chúng ta mang tính xác thịt hữu hình. Tính xác thịt của chúng ta là căn bản cho hầu như toàn bộ lời giảng dạy kitô giáo : không thể hiểu được niềm hy vọng, niềm hạnh phúc và sự tự do của ta nếu không có vài ý niệm giải trình cho sự việc con người mang tính xác thịt. Đó sẽ là chủ đề của chương V. Trong chương VI, chúng ta tự hỏi rằng một người kitô hữu phải hiểu bằng cách đặc biệt nào đó, sự thật nghĩa là gì. Không phải do kitô hữu luôn đúng đắn hơn người và có thể có khả năng chiếm giải nhất về đàng luân lý ; chẳng có chi đảm bảo cho ta về điều đó. Nhưng hơn thế nữa, chúng ta có cách thức khá bất thường để hiểu những gì là thật.
Thánh Âu Tinh nói đến nhân loại như một « cộng đoàn của sự thật » và điều này hoàn toàn tự nhiên dẫn chúng ta đến câu hỏi sau đây là câu hỏi về sự thống nhất toàn thể loài người : hướng về Chúa, đó không chỉ tin rằng Thiên Chúa là cùng đích của cuộc hành trình riêng của tôi xuyên qua sự sống và cái chết ; chúng ta tin rằng chính trong Thiên Chúa mà toàn thể nhân loại sẽ tìm thấy sự thống nhất và ý nghĩa của mình. Bên ngoài tập hợp chung toàn nhân loại, tôi không hoàn toàn, tôi chưa hoàn tất. Các chương VII và VIII xem xét những gì đối với chúng ta tin vào sự thống nhất tối hậu của loài người và bằng cách nào điều này trở nên gần gũi với người kitô hữu. Nhưng sự chia rẽ của người kitô hữu và trong các giáo hội làm suy yếu trầm trọng khả năng làm chứng tá của chúng ta cho sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, vì thế, trong chương IX và X, tôi tìm kiếm xem làm sao cứu vãn sự chia rẽ và bất đồng nội bộ. Cuối cùng, chúng ta suy nghĩ đâu là ý nghĩa của sự nghỉ ngơi, ngày Sabát, và như thế, chúng ta cùng hướng đến sự an nghỉ sau cùng mà nhân loại được kêu gọi đến nhận biết với Chúa. Tác phẩm này, do đó, phải đưa chúng ta từ niềm hy vọng đến dấu chỉ có sức thuyết phục nhất của niềm hy vọng của chúng ta mà ngay bây giờ nó đang nghỉ, đang chơi, homo ludens. Chúng ta chỉ cho thấy niềm hy vọng rằng cuộc đời đưa đến đâu đó, thì cũng sẽ đưa ta về Thiên quốc, nhưng chúng ta chiến đấu không ngừng để « đến được ».
Tôi xin cám ơn anh em Blackfriars, ở Oxford, những người qua giảng thuyết và tình bằng hữu đã dạy tôi biết hầu như tất cả những gì người ta có thể tìm thấy trong cuốn sách này. Tôi xin cảm ơn đặc biệt anh Vivian Boland o.p. vì sự giúp đỡ và khích lệ. Tôi cũng xin gởi lời cảm ơn chân thành đến anh Nicolas-Jean Sed o.p. và anh Eric de Clermont-Tonnerre o.p., những người đã coi sóc ấn bản tiếng Pháp này cách rất huynh đệ và chuyên nghiệp. Tôi ý thức được rằng khi tôi xem xét đánh giá đâu là người kitô hữu, thì tôi đã làm điều đó như một thành viên của một truyền thống đặc thù, như một tu sỹ Đa Minh và một người Công Giáo, nhưng tôi hy vọng rằng suy tư của tôi cũng sẽ làm nên ý nghĩa nào đó cho các kitô hữu thuộc các truyền thống khác, mà tôi còn mắc nợ với nó.

(ND) Bản dịch sang tiếng việt từ bản tiếng pháp Pourquoi donc être chrétien ? Éditions du Cerf, Paris, 2005, có đối chiếu lại và chỉnh sửa với bản chính tiếng anh What is the point of being a christian ?.